Phát huy hiệu quả Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình
Cập nhật ngày: 16/06/2018 06:05:07
ĐTO - Để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), UBND tỉnh đã triển khai Đề án đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh từ năm 2010.

Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh
Đề án tập trung tuyên truyền đến người dân các nội dung trọng tâm: phát huy và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Qua đó, khuyến khích, vận động người dân xây dựng gia đình hạnh phúc, xóa bỏ BLGĐ. Ban đầu, đề án thực hiện tại 3 địa phương: xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh), xã Tân Quới (huyện Thanh Bình) và phường An Hòa (TP.Sa Đéc).
Xác định tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là trọng tâm, UBND xã Tân Hội Trung thành lập 2 Câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững (GĐPTBV). Từ 2 CLB, đến nay đã nhân rộng các ấp trong xã, với hàng trăm người tham gia. Có mặt tại buổi sinh hoạt của CLB GĐPTBV ấp 4 trong những ngày tháng 6/2018, với chủ đề hướng tới kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6, nhiều chị chia sẻ với nhau về chuyện nhà, chuyện con cái, duy trì thực hiện bữa cơm gia đình...
Tham gia sinh hoạt CLB đã 2 năm, chị Phan Ngọc Hà ngụ ấp 4, xã Tân Hội Trung chia sẻ: “Tôi đã bớt tính nóng nảy, có chuyện gì nói nhỏ nhẹ nên vợ chồng tôi ít cãi nhau. Để xây dựng gia đình êm ấm, tôi luôn dạy con phải cố gắng học, hiếu thảo. Bản thân phải làm gương cho các con noi theo”. UBND xã còn thường xuyên tuyên truyền đến các gia đình trong xã xây dựng gia đình văn hóa, phòng, chống BLGĐ; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, thành lập các tổ lột hạt sen, đan lát,...
Chị Nguyễn Thanh Thủy - Chủ nhiệm CLB GĐPTBV ấp 4, xã Tân Hội Trung: “Chúng tôi giúp các chị mạnh dạn chia sẻ chuyện buồn, vui của gia đình để giúp họ giải quyết, đồng thời nắm tâm tư nguyện vọng của các chị để có giải pháp hỗ trợ. Nhờ đó, ai nấy đều chăm chỉ làm ăn, gia đình hòa thuận. Tình trạng BLGĐ trên địa bàn xã được giải quyết triệt để”. Từ khi thực hiện đề án, số vụ BLGĐ trên địa bàn xã giảm, nếu năm 2010 có 5 vụ thì đến 2017 giảm còn 2 vụ.
Hiện nay, đề án đã được nhân rộng trong toàn tỉnh. Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền cho người dân các nội dung trọng tâm đề án hàng quý; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội Đoàn thể.
Các ban, ngành, đoàn thể địa phương thành lập, duy trì tốt nhiều mô hình như: 434 nhóm, 559 CLB phòng, chống BLGĐ, hơn 2.500 địa chỉ trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ, văn phòng tư vấn tâm lý, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Các mô hình đã tư vấn, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ; can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho trên 200 đối tượng bị BLGĐ ổn định tâm lý. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp địa phương tổ chức tập huấn trang bị thêm các kiến thức về công tác gia đình cho cán bộ cấp cơ sở; cấp, phát hàng ngàn sổ tay, tờ rơi về công tác gia đình, Luật Hôn nhân gia đình để các địa phương tuyên truyền mỗi năm.
Những năm qua, với sự nỗ lực của các ngành, địa phương, Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã dần đi sâu vào cuộc sống, làm chuyển đổi nhận thức của nhiều người, gia đình về việc xóa bỏ BLGĐ, chủ động xây dựng gia đình phát triển bền vững. Cụ thể giai đoạn 2014-2017, toàn tỉnh có 1.301 vụ BLGĐ, có xu hướng giảm qua các năm: năm 2014 là 489 vụ, năm 2017 còn 196 vụ; cuối năm 2017 có 92,83% gia đình đạt gia đình văn hóa.
Tuy số vụ BLGĐ có giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nạn nhân đôi khi còn cam chịu, che giấu. Để công tác phòng, chống BLGĐ tốt hơn, mỗi cá nhân, gia đình hãy tích cực phát triển kinh tế, nói không với BLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ.
MỸ XUYÊN