Phát triển du lịch trách nhiệm
Cập nhật ngày: 17/01/2017 06:34:49
ĐTO - Vừa qua, tại TP.Sa Đéc đã diễn ra hội thảo Du lịch (DL) với chủ đề “DL trách nhiệm - Mong muốn và hiện thực”. Đây là hội thảo về DL lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Qua những nhận định, góp ý cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước về DL, chuyên gia tư vấn DL, nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương luôn cùng chung khát vọng phát triển DL trách nhiệm ở Đồng Tháp.
Du khách tham quan Làng hoa Sa Đéc
Phát huy từ sự khác biệt
Ngay khi hội thảo bắt đầu, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, DL Đồng Tháp mới phát triển gần đây và để có vị trí xứng đáng trong bản đồ DL Việt Nam, ngành DL phải thực hiện một cuộc hành trình dài. Trong suốt hành trình ấy rất cần những chuyên gia về DL, những phóng viên tư vấn, chỉ ra việc cần làm, nên làm và sẽ làm. Việc tìm ra cái mới cũng như chỉ ra những hạn chế để thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cùng hành động làm DL.
Các đại biểu tham dự hội thảo cùng có chung nhận định là Đồng Tháp có những thế mạnh khác mà hiếm nơi nào có được, Đồng Tháp đang làm một cuộc “cách mạng” về DL. Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lửa Việt Tours cho rằng, Đồng Tháp có những “thế mạnh bất ngờ” về DL, trong đó phải kể đến Làng hoa Sa Đéc, Khu di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc, KDT Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim, quýt hồng Lai Vung, nem Lai Vung, Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài,... Đồng Tháp còn có những món ẩm thực trở thành đặc sản như: hủ tiếu Sa Đéc, hạt sen và gà đồng Tháp Mười, cơm sen Gáo Giồng, xoài Cao Lãnh, lẩu mắm,... Lãnh đạo tỉnh và cả những người nông dân sớm nhận thức được địa phương có những điểm DL rất khác biệt, hấp dẫn so với nhiều địa phương khác nên đã và đang có những tư duy đột phá trong làm DL. Sự đột phá ấy bắt đầu từ các lớp chia sẻ thực tiễn để “Thay đổi nhận thức về DL” được tổ chức cho các cơ quan, ban, ngành, các điểm tham quan, hộ dân muốn làm DL,... Đích thân lãnh đạo tỉnh dẫn các đoàn cán bộ, doanh nghiệp, hộ dân đến ăn, ở, gặp gỡ, trao đổi với chủ nhân mô hình Homestay CBT ở nhiều địa phương tại miền Trung, miền Bắc, từ đó học hỏi mô hình, có những đánh giá, so sánh tìm ra cái riêng để áp dụng cho địa phương mình.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist - Phó Chủ tịch Hiệp Hội DL Việt Nam cho rằng, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng độc đáo để phát triển DL, nhiều thế mạnh mang tính đặc thù của DL miền Tây đều có và tập trung tại Đồng Tháp: DL sông nước, DL sinh thái, DL văn hóa, DL cộng đồng,... Tuy nhiên, không chỉ riêng Đồng Tháp mà ngành DL nước ta đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, liên quan đến trách nhiệm của ngành trước nền kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng
DL trách nhiệm là yếu tố góp phần tăng trưởng nền kinh tế, tạo sự công bằng xã hội, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, đồng thời tăng cường lao động, phát huy các giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm DL có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao hơn dành cho du khách. DL trách nhiệm chính là DL bền vững mà ai cũng mong muốn.
Theo ông Trần Hùng Việt, để xây dựng và phát triển DL trách nhiệm, ngành DL Đồng Tháp cần xem DL trách nhiệm là phương cách tái đầu tư cho ngành DL, liên quan nhiều vấn đề bảo tồn sự đa dạng của văn hóa và thiên nhiên; chú trọng đến việc triển khai sản phẩm DL của mình theo định hướng có trách nhiệm với môi trường, xã hội, kinh tế. Trong quá trình khai thác tài nguyên DL, tỉnh cần đảm bảo khai thác sản phẩm DL tại địa phương phải thỏa mãn được những nguyên tắc cơ bản của phát triển DL bền vững có trách nhiệm. Chính vì thế, khai thác tài nguyên đòi hỏi có sự hợp tác giữa các cơ quan ban, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng người dân và du khách. Các doanh nghiệp DL phải có chính sách bảo vệ môi trường trong kinh doanh, phát triển bền vững; tham gia các hoạt động mang tính trách nhiệm cao trong cộng đồng, địa phương.
Đồng Tháp là đơn vị tiên phong phát triển loại hình DL trách nhiệm với nhiều cách làm táo bạo. Do đó, ông Việt khuyên tỉnh nên xây dựng lực lượng tình nguyện viên DL, kết hợp học với hành. Vừa trực tiếp giảm thiểu các tác động tiêu cực của DL đến môi trường vừa có thể gián tiếp nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh, Trưởng Khoa Văn hóa - DL, Trường Đại học Đồng Tháp cũng cho rằng, đối với sinh viên Khoa Văn hóa - DL, trong từng môn học cụ thể, các giá trị kiến thức lý thuyết nghiệp vụ cần được tích hợp vào thực hành, thực tiễn tại các cơ sở kinh doanh DL, hướng tới hình thành kỹ năng phục vụ DL đạt chuẩn nghề DL khối ASEAN; ngành DL tỉnh cần tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tiếp cập các giá trị văn hóa - lịch sử địa phương với các hình thức: sản phẩm nghiên cứu khoa học, thực tập, tham quan nghiên cứu các giá trị của nguồn tài nguyên DL nhân văn và tự nhiên của Đồng Tháp.
Sau những phát biểu tham luận thẳng thắn của các chuyên gia, buổi hội thảo càng trở nên “nóng” hơn khi phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trong nước chỉ ra những điểm yếu trong phát triển DL trách nhiệm của tỉnh như: nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, môi trường DL cần được quản lý chặt chẽ, một số điểm du lịch sinh thái chưa có sự đổi mới trong hoạt động,... Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, những ý kiến của đại biểu là sự gợi mở quý giá cho sự phát triển DL của Đồng Tháp, tỉnh chân thành tiếp thu, sẽ xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể và đầu tư mạnh mẽ cho DL. Lãnh đạo tỉnh hứa quyết tâm chọn DL làm mũi đột phá.
Ngoài làng hoa Sa Đéc, các chuyên gia DL cũng rất ấn tượng với các nhà sàn ở Làng Hòa An xưa (Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc), làng Nam bộ thân thiện ở cồn Phú Mỹ, các nhà cổ ở Sa Đéc và hàng chục lò gạch hoang ở Châu Thành,... Khi triển khai đồng bộ các giải pháp, Đồng Tháp sẽ là điểm đến DL có trách nhiệm mang tầm quốc gia như khát vọng trở thành một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu của DL Tây Nam bộ trong 10 năm tới mà lãnh đạo và nhân dân tỉnh đang quyết tâm thực hiện.
H.Nghĩa