Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền phòng, ngừa tội phạm
Cập nhật ngày: 13/03/2022 12:39:10
ĐTO - Thực hiện các kế hoạch phối hợp trong công tác giữ gìn trật tự xã hội, phòng ngừa các loại tội phạm, giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, các sở, ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong đó, chú trọng đổi mới các hình thức, nội dung để người dân nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Người lao động tại TP Cao Lãnh tiếp cận thông tin pháp luật từ mô hình Tủ sách pháp luật
Theo đó, trong năm 2022, đối với cấp tỉnh, các ngành liên quan đã triển khai kế hoạch phối hợp hưởng ứng các nội dung hoạt động liên quan đến phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ tỉnh đến cơ sở, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các đối tượng thanh thiếu niên thông qua các hình thức tờ rơi, trên hệ thống Zalo, Facebook, tại các buổi sinh hoạt hội, nhóm... Công tác tuyên truyền đã góp phần vận động, khuyến khích người dân nâng cao ý thức cảnh giác, cùng thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn, chủ động cung cấp cho cơ quan chức năng các thông tin có giá trị, kịp thời phát hiện, triệt xóa tội phạm.
UBND các huyện, thành phố đã triển khai, chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc các kế hoạch gắn với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tổ chức cho các đơn vị cam kết quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Lực lượng Công an các huyện, thành phố với vai trò nòng cốt đã tổ chức các hoạt động cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tổ chức tuần tra địa bàn, quản lý chặt chẽ đối tượng tại địa phương và người đến từ các địa phương khác. Chủ động phòng ngừa, không để hình thành các băng nhóm tội phạm, tệ nạn ma túy, tụ điểm tệ nạn cờ bạc, đảm bảo an toàn giao thông, tiếp nhận và giải quyết các thông tin của người dân cung cấp về tình hình tệ nạn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành thường xuyên rà soát, quản lý, có biện pháp giáo dục, cảm hóa các đối tượng từng có hành vi vi phạm pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố đã triển khai kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội, phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến các đối tượng có nguy cơ, quản lý, cảm hóa các đối tượng từng vi phạm pháp luật, xem xét hỗ trợ các chính sách liên quan về nguồn vốn, việc làm để các đối tượng yên tâm tái hòa nhập cộng đồng... Tại TP Hồng Ngự, trong tháng 1/2022, Phòng LĐ-TB&XH đã tổ chức đoàn gồm lãnh đạo các ban, ngành, xã, phường đến thăm và hỗ trợ quà Tết cho 19 đối tượng đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đến các đối tượng học sinh, học viên, nhắc nhở các em chủ động phòng, tránh, không tham gia các hình thức tệ nạn xã hội, vi phạm an toàn giao thông... Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường, trung tâm phối hợp với Công an địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trường học, phòng ngừa bạo lực học đường. Xây dựng các nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội gửi đến phụ huynh học sinh và học sinh thông qua hệ thống Zalo nội bộ.
Tại TP Cao Lãnh, lực lượng Công an thành phố tiếp tục phối hợp cùng với các hội đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện và nhân rộng các mô hình, Câu lạc bộ: “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”; “Người hoàn lương”; “Nhà trọ công nhân”, “Tủ sách pháp luật”; “Điểm tư vấn pháp luật miễn phí”, “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”; “Thư viện lưu động”; “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh, trật tự”... Chủ động phòng, chống tội phạm trong các đối tượng công nhân, người lao động, Liên đoàn Lao động TP Cao Lãnh đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động người lao động, công nhân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng, chống các hành vi liên quan đến tệ nạn cho vay nặng lãi, cờ bạc, ma túy... Phối hợp với các cơ sở kinh doanh, công ty, doanh nghiệp tuyên truyền và trang bị kiến thức pháp luật thông qua mô hình “Tủ sách pháp luật” tại địa phương.
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, cùng các đoàn thể chính trị-xã hội khác trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.300 cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật hỗ trợ tiếp nhận thông tin, tư vấn kịp thời tại địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an tại địa phương tổ chức các đoàn đến thăm, vận động, hỗ trợ các đối tượng từng vi phạm pháp luật tham gia học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
H.AN