Phòng tránh trẻ em bị xâm hại tình dục - trách nhiệm của toàn xã hội
Cập nhật ngày: 01/06/2012 08:09:26
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh phát hiện 57 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD). Tình trạng trẻ em bị XHTD trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Chuyên viên Trung tâm công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tư vấn
trực tiếp cho gia đình về kiến thức nuôi dạy con
Nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị XHTD là do cha mẹ, người thân trong gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, quản lý con em mình, để đối tượng có cơ hội dụ dỗ, lừa gạt hảm hại; một số gia đình thiếu kiến thức về pháp luật hoặc không nắm bắt tâm tư, nguyện vọng những việc làm, biểu hiện sai trái của con em mình để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Do đó, trách nhiệm giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là của mỗi gia đình.
Năm 2012, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi hội thảo bàn giải pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em tại tỉnh và huyện. Hiện nay, Sở Lao động đã giao cho Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em phối hợp Phòng Lao động và Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố, ngành chức năng tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị em bị XHTD, bị bạo lực dựa vào cộng đồng xã hội. Trước mắt, chọn 6 xã của huyện Hồng Ngự và huyện Lai Vung để thực hiện.
Bên cạnh đó, thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến người dân; thực hiện các biện pháp tham vấn, tư vấn tại gia đình và tổ chức các lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em bị XHTD và trẻ em có nguy cơ cao; hỗ trợ hướng nghiệp, học nghề cho trẻ em và hỗ trợ các em tự tạo việc làm; tổ chức các hoạt động phục hồi sức khỏe, tâm lý cho trẻ em bị XHTD và kết nối với các dịch vụ bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em... mô hình cũng sẽ trợ giúp về đời sống, y tế, giáo dục và tiếp cận các phúc lợi xã hội khác dành cho trẻ em.
Nội dung các lớp tập huấn cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về đánh giá tình hình, môi trường hoạt động cũng như các hành vi mà trẻ đang trực tiếp tham gia, từ đó chỉ ra các biện pháp phòng ngừa, đồng thời vận động, giáo dục để trẻ nhận thức và tự thay đổi hành vi cho đúng hơn; bồi dưỡng cho trẻ kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng để trẻ tự bảo vệ mình.
Bà Lê Thị Phiến - Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Bảo vệ trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Đối với các trẻ em rơi vào đối tượng này, khi tái hòa nhập cộng đồng rất dễ bị tổn thương, đặc biệt về tinh thần, do đó các biện pháp xử lý cũng cần phải phù hợp và điều tất yếu là phải hiểu được tâm lý trẻ. Theo đó, để giúp trẻ thật sự tái hòa nhập cộng đồng, ngoài các biện pháp truyền thống đã thực hiện phải giúp các em xóa đi mặc cảm của bản thân bằng cách: thường xuyên tạo điều kiện cho các em được tham dự các cuộc liên quan, vui chơi, giải trí... do địa phương tổ chức, giúp các em tự tin, nâng cao kiến thức xã hội”.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên quan tâm chỉ đạo cụ thể và sát sao đối với công tác chăm lo giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, giáo dục, quản lý tốt con trẻ, gạt bỏ mặc cảm, dư luận khi có con em bị xâm hại để tố cáo thủ phạm ra trước pháp luật, có như vậy trẻ mới thực sự được bảo vệ.
Trong năm 2012, Trung tâm công tác Xã hội - Bảo vệ trẻ em phối hợp với UBND thành phố Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự tổ chức các hoạt động truyền thông nhóm cho 18 xã, phường và trường THCS tại Thành phố Cao Lãnh và Thị xã Hồng Ngự. Nội dung tuyên truyền về kiến thức nuôi dạy con, hôn nhân gia đình...
Bà Lê Thị Phiến - Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội cho rằng: “Trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ là của toàn xã hội, đặc biệt là của từng gia đình. Với trách nhiệm được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao cho, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình theo kế hoạch đề ra, nhằm góp phần bảo vệ trẻ em, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị XHTD”.
Kim Ngân