San sẻ yêu thương từ mô hình “Người em của Đoàn”
Cập nhật ngày: 25/10/2021 10:45:27
ĐTO - Nhằm cụ thể hóa kế hoạch của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tổ chức chương trình “Nối vòng tay thương”, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Người em của Đoàn” để hỗ trợ cho các em thiếu nhi mồ côi (cha, mẹ; cả cha lẫn mẹ hoặc người đỡ đầu) do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống, nhất là tạo thêm điều kiện để các em tiếp tục học tập, rèn luyện và nuôi dưỡng ước mơ của mình, phát huy truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Thúy Lam – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp cho biết, đối tượng được hỗ trợ từ mô hình “Người em của Đoàn” là các em thiếu nhi mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu 100% thiếu nhi mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn (thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc khó khăn có xác nhận của địa phương) được hỗ trợ đến 18 tuổi. BTV các huyện, Thành đoàn chỉ đạo các xã, phường, thị trấn Đoàn rà soát số lượng, danh sách, hoàn cảnh gia đình của các em mồ côi do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn chia thành 3 cấp (dưới Tiểu học, Tiểu học, THCS).
Về diện mồ côi chia làm 2 đối tượng gồm: mồ côi cả cha lẫn mẹ và mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, mô hình “Người em của Đoàn” được thành lập từ tỉnh đến xã do tổ chức Đoàn làm nòng cốt phối hợp với cán bộ thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội, các đơn vị liên quan khác để triển khai thực hiện. Trong đó, đặc biệt tổ chức tuyên truyền, vận động sự đồng hành hỗ trợ hoặc nhận đỡ đầu của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh cùng tham gia thực hiện hiệu quả mô hình.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn cùng chính quyền địa phương đến thăm và hỗ trợ quà, nhận đỡ đầu cho em N.T.T. (ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình)
Từ các đối tượng ưu tiên và hoàn cảnh gia đình, các cấp Bộ đoàn trên địa bàn vận động, kết nối hỗ trợ tài lực, vật lực (tùy thời điểm cụ thể) cho các em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn (theo hình thức hỗ trợ hàng tháng) đến khi 18 tuổi với mức kinh phí hỗ cấp ấp tỉnh tối thiểu 4,8 triệu đồng/năm/em (tương đương 400.000 đồng/tháng/em); cấp huyện tối thiểu 3,6 triệu đồng/năm/em (tương đương 300.000 đồng/tháng/em); cấp xã tối thiểu 2,4 triệu đồng/năm/em (tương đương 200.000 đồng/tháng/em)... Mỗi cơ sở Đoàn có thiếu nhi mồ côi thường xuyên động viên, thăm hỏi các em; phân công 1 đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện phù hợp trên địa bàn để hỗ trợ, đồng hành cùng mỗi em trong cuộc sống, học tập và tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội tại địa phương; giám sát các hoạt động hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân (người nhận đỡ đầu) đối với thiếu nhi mồ côi tại địa phương.
Em N.T.T. (SN 2007) ngụ ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình là một trong những trường hợp có người thân mất do Covid-19 vừa được BTV Tỉnh đoàn tặng quà từ chương trình “Triệu túi an sinh” và nhận đỡ đầu hỗ trợ lâu dài cho em đến khi 18 tuổi. Hoàn cảnh em T. rất khó khăn, cha làm nghề bán vé số, mẹ và chị gái làm công nhân ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. T. và em gái sống cùng cha ở quê. Cách đây 2 năm, cha của T. bị bệnh nặng qua đời, mẹ của em cũng mắc bệnh Covid-19 vừa qua đời cách đây 2 tháng. Hiện tại, T. và em gái sống nhờ vào sự đùm bọc của ông bà nội. Thấu hiểu hoàn cảnh của em, không để em bị dang dở việc học, BTV Tỉnh đoàn đã vận động hỗ trợ đời sống cho em T., đồng thời đã nhận đỡ đầu hỗ trợ lâu dài cho em đến khi 18 tuổi. Trước mắt, BTV Tỉnh đoàn đã hỗ trợ cho T. và em gái, mỗi em 2 triệu đồng, túi an sinh gồm gạo, nhu yếu phẩm. Huyện đoàn vận động Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến hỗ trợ em T. mỗi quý 1,5 triệu đồng nhằm tiếp sức, giúp em vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập. Em T. chia sẻ: “Em rất xúc động khi nhận được sự quan tâm của các anh, chị cán bộ Đoàn. Các phần hỗ trợ này đã giúp em có thêm khoản chi phí sinh hoạt cho việc học tập hàng tháng. Em hứa sẽ quyết tâm phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng giúp đỡ của các anh chị”.
Em H.T.Đ. và em H.Q.T. ngụ ấp 4, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh được Tỉnh đoàn nhận hỗ trợ lâu dài từ mô hình “Người em của Đoàn”
Tương tự, 2 em H.Q.Đ. (SN 2010) và H.Q.T. (SN 2007) cũng thuộc diện mồ côi do dịch Covid-19 được Tỉnh đoàn Đồng Tháp nhận hỗ trợ đỡ đầu. Căn nhà nhỏ hơn 40m2 là tổ ấm của 3 bà cháu cô Nguyễn Thị Lệ (SN 1957, ngụ ấp 4, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh). Những ngày qua, căn nhà nhỏ này càng hiu quạnh hơn khi mẹ của 2 em Đ. và T. vừa qua đời vì bệnh Covid-19. Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Mạnh (SN 1978) con trai cô Lệ phải rời quê lên Bình Dương làm công nhân kiếm sống gởi lại em Đ. và T. cho cô Lệ nuôi dưỡng. Hiện tại, một mình cô Lệ tuổi già phải gồng gánh nuôi 2 cháu, cuộc sống đã khó nay lại càng khó khăn hơn.
Cô Nguyễn Thị Lệ chia sẻ: “Trước đây, hàng tháng ba mẹ 2 cháu gởi tiền về để tôi nuôi cháu. Con dâu tôi không may bị bệnh Covid-19 và đã qua đời hồi tháng 8/2021, con trai tôi hụt hẫng chưa lấy lại được tinh thần. Những ngày qua, nhờ được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ gạo, tiền, nhu yếu phẩm, đặc biệt các cô, chú cán bộ Đoàn còn nhận đỡ đầu cho 2 cháu nên tôi giảm bớt lo lắng, cũng yên tâm phần nào”. Thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của 2 em Đ. và T. nên Tỉnh đoàn đã nhận đỡ đầu cho 2 em đến khi 18 tuổi. Đồng thời, Xã đoàn Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) cũng vận động hỗ trợ cho các em 2 chiếc điện thoại di động để có thêm điều kiện học tập trực tuyến trong mùa dịch bệnh.
Thống kê đến ngày 20/10/2021, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 82 trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ mất do Covid-19. BTV Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình “Người em của Đoàn” đến các cơ sở Đoàn trong tỉnh thực hiện nhằm kịp thời hỗ trợ về đời sống vật chất, góp phần động viên các em ổn định về tinh thần, sớm vượt qua nỗi đau mất người thân, an tâm học tập.
T.ĐẠT-M.XUYÊN