Học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa
Sáng tạo với dự án chiết xuất sợi tơ từ cây sen
Cập nhật ngày: 15/02/2017 14:06:06
Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 – 2017 do Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tổ chức cuối tháng 1 vừa qua có 48 dự án đạt giải. Trong đó, dự án “Chiết xuất sợi tơ từ cây sen”, của Dương Thị Tuyết Sang và Trần Thạch Thảo - học sinh lớp 9A1, Trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP.Cao Lãnh là 1 trong 3 dự án được Ban tổ chức đánh giá cao và trao giải Nhất.
Hai em Sang và Thảo se tơ từ cây sen
Tình cờ trong một lần giao lưu với học sinh của một trường THCS thuộc huyện Tháp Mười và trong lúc trải nghiệm thu hoạch sen cùng với nông dân, các em hiếu kỳ bẻ những cây sen thấy có những sợi tơ nhỏ, mỏng nên nghĩ ra ý tưởng này và đăng ký dự thi.
Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô môn Hóa học, Sinh học và thầy chủ nhiệm Nguyễn Như Ý, các em tiến hành viết đề tài. Thầy cô của trường cũng hỗ trợ thực hiện mô hình máy se tơ, dệt tơ. Qua nghiên cứu, sợi tơ sen có khả năng chịu lực kéo tương đối tốt, khi phơi nắng, sợi tơ không quá nóng như những loại sợi tổng hợp khác, có thể ứng dụng được trong ngành dệt vải,... và khi đốt cháy có mùi thơm như đốt sợi bông, khi ngâm vào dung dịch hóa học theo thể tích nhất định, sợi tơ có màu trắng và độ dai. Thầy Nguyễn Như Ý - Trường THCS Trần Đại Nghĩa cho biết: Nếu đề tài này được áp dụng vào thực tế sẽ tạo ra sợi dệt thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả cho người nông dân trồng sen và nâng tầm giá trị của cây sen.
Tại cuộc thi lần này, có 83 dự án tham gia. Dự án “Chiết xuất sợi tơ từ cây sen”, của Dương Thị Tuyết Sang và Trần Thạch Thảo đã chinh phục Ban giám khảo, là 1 trong 3 giải Nhất được trao tại cuộc thi, chuẩn bị tham gia cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 – 2017 các tỉnh phía Nam được tổ chức tại TP.Vũng Tàu trong tháng 2 này. Dương Thị Tuyết Sương - nhóm trưởng của dự án cho biết: Đề tài này gần gũi với người dân, sẽ giúp người dân có thêm thu nhập về kinh tế, giúp bảo vệ môi trường, giúp ngành dệt có thêm một sản phẩm mới. Chúng em sẽ tìm hiểu nhiều thêm và mong muốn ứng dụng vào thực tế nhằm tôn vinh giá trị của sen, nhất là sen hồng Đồng Tháp.
PHƯƠNG NGA