Châu Thành

Sớm trả lại môi trường trong sạch cho người dân ở rạch Cây Dung

Cập nhật ngày: 31/05/2013 04:22:21

Con rạch Cây Dung, thuộc ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành có chiều dài gần 1.000m, là nguồn nước chính sử dụng cho sinh hoạt của người dân và dùng để tưới tiêu cho hàng chục ha vườn cây ăn trái.

Tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí nơi đây đã kéo dài từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ những hộ chăn nuôi heo và cơ sở sản xuất phèn chua, bong bóng cá trên địa bàn, nhưng do tình làng, nghĩa xóm nên bà con không phản ánh. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm càng tăng dần và nghiêm trọng hơn khi đơn vị thi công công trình cống Cây Dung tiến hành ngăn đập. Cả con rạch với màu nước đen xì, gần như đặc quánh, luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc.


Đường ống dẫn nước thải ra con rạch từ hộ chăn nuôi

Bà Lê Thị Cúc - một người dân nơi đây cho biết: Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường của con rạch này bắt nguồn từ hộ chăn nuôi heo của bà Nguyễn Thị Thu Nga ngay đầu con rạch và một cơ sở sản xuất phèn chua, bong bóng cá cách đó không xa. Nước sông thì không sử dụng được, không khí đầy mùi hôi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của gia đình bà cũng như các hộ dân sống dọc theo con rạch này.

Qua tìm hiểu được biết, chuồng heo của bà Nguyễn Thị Thu Nga có diện tích khoảng 200m2 với tổng đàn trên 100 con. Bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, trong chăn nuôi heo, bà thực hiện rất tốt các quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường, có xây dựng hầm biogas, có cam kết bảo vệ môi trường và được cơ quan chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, hầm biogas đã bị nghẹt không sử dụng được nhiều năm nay nên chất thải chăn nuôi được đưa trực tiếp ra rạch Cây Dung bằng đường ống nhựa lộ thiên đường kính khoảng một tấc rưỡi. Còn cam kết bảo vệ môi trường thì được bà tiết lộ đó là bảng phô-tô từ một hộ chăn nuôi khác trình cơ quan chức năng ký để đối phó với cơ quan kiểm tra.

Cách nhà bà Nga không xa là cơ sở sản xuất phèn chua và bong bóng cá của bà Nguyễn Thị Vân, bà Vân cũng cho biết, cơ sở bà được cơ quan chuyên môn thẩm định cấp phép về đảm bảo vệ sinh môi trường. Tương tự bà Nga, để xử lý nước thải, bà Nguyễn Thị Vân đã âm một đường ống dưới đất để đưa nước thải sản xuất trực tiếp ra môi trường. Trao đổi với chúng tôi bà Vân cho rằng, ô nhiễm con rạch nầy không chỉ riêng cơ sở sản xuất của bà mà còn nhiều hộ chăn nuôi khác. Chính vì thế mà con rạch Cây Dung ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn và hậu quả là bà con nhân dân nơi đây cùng gánh chịu.

Thực trạng môi trường nước và không khí ô nhiễm hiện nay ở khu vực rạch Cây Dung không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến kinh tế vì con rạch này là nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ha vườn cây ăn trái của bà con. Ông Phan Văn Thành - ngụ ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, 5 công bưởi là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nhưng với nguồn nước ô nhiễm như hiện nay nếu sử dụng để tưới là bông, trái đều bị rụng, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.

Ông Thành đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý các hộ chăn nuôi, sản xuất gây ô nhiễm môi trường, sớm trả lại nguồn nước sạch và không khí trong lành cho bà con nhân dân nơi đây.

Thanh Dự

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn