Tâm huyết bảo vệ đàn cá tự nhiên của vợ chồng cô chú đưa đò
Cập nhật ngày: 19/06/2022 05:48:47
ĐTO - Thắm thoát gần 3 năm, người dân địa phương trở nên thân quen với hình ảnh vợ chồng cô chú đưa đò tại bến đò Bằng Lăng (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) chăm lo từng bữa ăn cho đàn cá tự nhiên.
Đàn cá tự nhiên với số lượng lớn
Mỗi ngày, sau khi đưa vài chuyến đò sáng, vợ chồng chú Nguyễn Phước Tài và cô Nguyễn Thị Nhàn lại ra bến sông sau nhà dọn cỏ, rác cho thông thoáng để bắt đầu cho đàn cá ăn. Nghe mùi thức ăn, hàng ngàn con cá tra đang lặn dưới nước lại ồ ạt nổi lên đớp mồi. Để chăm những con cá nhỏ không tranh được thức ăn, cô Nhàn còn rải thêm thức ăn ra khu vực xung quanh...
Về cơ duyên với đàn cá này, cô Nhàn chia sẻ, hơn 2 năm trước, bến đò xuất hiện đàn cá nhỏ (chủ yếu là cá tra), thấy thương, nên cô chú rải cơm cho ăn và “nhận nuôi” đến bây giờ. Để giữ đàn cá không bị người dân đánh bắt, cô chú dùng tre bó thành phao nổi, vây một góc sông để cản lục bình và rác, tạo không gian cho đàn cá bơi lội.
Ban đầu, đàn cá chỉ có vài chục con nhưng đến nay, số lượng cá lên hàng tấn. Số lượng cá ngày càng nhiều, lại lớn nhanh (có con nặng gần 5kg) nên lượng thức ăn cho cá khá nhiều. Theo cô Nhàn, công việc đưa đò mỗi ngày lãi khoảng 300.000 đồng, gia đình cô dành ra khoảng 150.000 đồng mua thức ăn cho cá. Ngoài ra, để đủ suất ăn và tiết kiệm chi phí, cô còn mua thêm cám, trái cây để bổ sung thêm lượng thức ăn cho cá.
Theo cô Nhàn, khó khăn nhất là vào thời điểm cả nước giãn cách xã hội, công việc đưa đò tạm gác lại nên không đủ tiền sinh hoạt và nuôi đàn cá. Tuy nhiên, sợ đàn cá đói, bỏ đi nơi khác và bị đánh bắt, nên cô nấu cơm, mua thêm trái cây chín làm thức ăn để cá không bị đói. Cô Nhàn chia sẻ: “Đàn cá này là của tự nhiên, không phải của riêng tôi. Tuy nhiên, nếu tôi không bảo vệ thì đàn cá bị người ta bắt hết. Tôi đưa đò cũng có thu nhập, vì vậy, khi nào tôi còn làm ăn được thì đàn cá sẽ không bị đói...”.
Chú Tài bên đàn cá tự nhiên
Thấy việc làm ý nghĩa của vợ chồng cô Nhàn nên nhiều người dân địa phương cũng đến phụ cô, khi là góp trái cây, gạo hoặc ít tiền để mua thức ăn cho cá. Ngưỡng mộ tấm lòng của vợ chồng cô Nhàn và hiếu kỳ, nhiều người ở nơi xa cũng tìm đến đây để được tận mắt chứng kiến đàn cá.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh - ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Chứng kiến sự gần gũi của cô chú đối với đàn cá, tôi rất ngưỡng mộ. Tôi mong cô chú sống vui khỏe và làm ăn thuận lợi để tiếp tục nuôi đàn cá, đồng thời cũng hy vọng mọi người xung quanh chung tay bảo vệ đàn cá tự nhiên này”.
Đối với nhiều người, việc bỏ tiền nuôi, bảo vệ đàn cá tự nhiên là việc làm lạ lùng, nhưng gia đình cô Nhàn lại xem đó một mối lương duyên. Với việc làm ý nghĩa đó, vợ chồng cô Nhàn cũng mong muốn truyền đi thông điệp chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta trong tương lai.
Ông Hồ Thanh Tâm - Bí thư, Chủ tịch xã Đốc Binh Kiều cho biết, việc đàn cá tự nhiên về sinh sống tại bến đò là điều hiếm có từ trước đến nay ở địa phương. Hiện nay, xã cũng lên phương án để cùng với cô, chú bố trí, sắp xếp lại nơi neo đậu đò nhằm bảo vệ đàn cá, cũng như thực hiện các giải pháp neo đậu phà không gây ảnh hưởng giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng có biện pháp, ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép; tuyên truyền, vận động người dân xung quanh nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên...
|
MN