Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Cập nhật ngày: 20/04/2025 05:10:24
ĐTO - Nhằm tăng cường việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), giảm thiểu tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch số 284 ngày 17/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Tổ chức các hoạt động Chương trình ATVSLĐ năm 2025 và hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ thiết thực, hiệu quả. Phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, thực hiện công tác ATVSLĐ; phối hợp điều tra tai nạn lao động…

Công nhân mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn khi lao động
Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư, thầu xây dựng các quy định của pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn trong thi công các công trình xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, công nghệ xây dựng. Chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động tại các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát công trình; bảo đảm các điều kiện về ATVSLĐ. Kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp không bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong công trình xây dựng.
Sở Y tế hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động biện pháp kiểm soát yếu tố có hại tại nơi làm việc, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, thích ứng an toàn, linh hoạt cho người lao động, doanh nghiệp… Phối hợp các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ tại nơi làm việc, quan trắc môi trường lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động, khám bệnh nghề nghiệp, phòng chống bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc đối với cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Sở Công thương triển khai các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ trong lĩnh vực quản lý; hướng dẫn doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ đối với đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý, đặc biệt đối với lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như hóa chất, sử dụng máy thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
UBND tỉnh cũng đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định. Chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện hướng dẫn công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt thực hiện tốt tự kiểm tra công tác ATVSLĐ theo đúng quy định pháp luật. Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành việc tuân thủ nội quy, quy trình làm việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với các hoạt động phù hợp tại địa phương, đơn vị. Tăng cường hướng dẫn việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ thực tế tại nơi làm việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, thống kê, báo cáo định kỳ tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn, nhất là khu vực không có quan hệ lao động, lao động tự do phi chính thức, an toàn, vệ sinh trong nông nghiệp; kịp thời xử lý, chấn chỉnh nơi có nguy cơ để xảy ra mất ATVSLĐ.
NP