Huyện Cao Lãnh

Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

Cập nhật ngày: 09/12/2015 12:59:14

Trước những diễn biến tăng của bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) trên địa bàn, UBND huyện Cao Lãnh đã có văn bản chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện; UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống SXH, TCM.


Phun xịt hóa chất nơi có ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Cao Lãnh (ảnh tư liệu)

Tính từ đầu năm đến tháng 11, toàn huyện Cao Lãnh xảy ra 372 ca mắc SXH, tăng 308 ca so với cùng kỳ năm 2014, có 811 ca mắc TCM, giảm 23 ca so với cùng kỳ. Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng, xử lý bệnh SXH, TCM nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân do diễn biến của chu kỳ dịch, người dân vẫn còn chủ quan với bệnh. Có những hộ gia đình có con em từ 2 - 4 tuổi mắc bệnh TCM lần thứ 2 như chị Nguyễn Thị Thu Loan ngụ thị trấn Mỹ Thọ, từ đầu năm đến nay, con chị bị mắc bệnh TCM 2 lần, chị cho biết: “Ban đầu cháu quấy khóc, khó chịu trong người. Vài ngày sau, cháu không ăn uống gì nữa, tôi nghĩ cháu bị viêm họng nên mua thuốc cho cháu uống, khi bệnh nặng hơn đến bệnh viện mới biết cháu mắc TCM...”. Chúng tôi hỏi việc phòng, chống bệnh TCM tại nhà, chị Loan cho biết thêm: “Tôi có nghe trên đài truyền thanh nói đang có bệnh TCM, nhưng không nghĩ con mình mắc bệnh. Gia đình tôi lau nhà bằng nước lạnh thông thường, rất ít khi tẩy rửa vệ sinh đồ chơi vì không có thời gian...”.

Trong 3 tháng gần đây, tình hình bệnh SXH, TCM trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Chính quyền địa phương đã khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngay từ tuyến xã, các xã: Phong Mỹ, Ba Sao, Phương Trà, Tân Nghĩa... Trạm y tế phối hợp với chính quyền thực hiện nhiều đợt ra quân diệt lăng quăng; phun xịt hóa chất trên diện rộng để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 Chủ động phòng, chống dịch bệnh xảy ra trong trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo, nhắc nhở các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn thông tin về tình hình dịch bệnh SXH, TCM, thông báo đến phụ huynh các bước phòng, chống dịch bệnh cho con em. Các trường hướng dẫn học sinh thực hiện rửa tay bằng xà phòng, vận động học sinh dọn dẹp nơi ở; kiểm tra các vật dụng chứa nước, diệt lăng quăng, đề phòng muỗi đốt;...

Trung tâm Y tế huyện cũng đã triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các xã trọng điểm, điểm nóng, khu vực nguy cơ bùng phát dịch, tập trung thực hiện công tác vãng gia, nhất là những hộ gia đình có trẻ em dưới 12 tuổi, những hộ gia đình không cho trẻ em đến trường. Đối với những trường hợp mắc bệnh, Bệnh viện Đa khoa chủ động tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, xử lý ca bệnh kịp thời; hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do SXH, TCM. Trong quá trình điều trị bệnh nhân, bệnh viện phối hợp với Trung tâm Y tế để xử lý ổ dịch tại hộ gia đình.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn