Tăng cường tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 03/04/2025 05:15:29

ĐTO - Thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần phục vụ tốt sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Học sinh Trường Trung cấp Tháp Mười tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh năm 2024
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nói chung, trong đó công tác tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, từng bước nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn; đồng thời gắn kết đào tạo nghề với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo, hội nhập của người dân nông thôn.
Tỉnh đã quan tâm phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó, từng bước hình thành lực lượng lao động đủ số lượng, có trình độ kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh; tham gia tích cực vào cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề phi nông nghiệp là 13.555 người. Trong đó, tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp là 3.910 người (trung cấp 2.170 người, cao đẳng 1.740 người); đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng lĩnh vực phi nông nghiệp là 3.375 người (gồm đào tạo lao động nông thôn, lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, đào tạo nhân lực phục vụ Chương trình OCOP, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, đào tạo lao động phục vụ Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đào tạo cho người chấp hành xong hình phạt tù và thi hành án hình sự tại cộng đồng, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...); đào tạo khác là 6.270 người (gồm đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo có thu học phí của doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp tự đào tạo, truyền nghề...).
Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo nghề lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2025 là 105,120 tỷ đồng. Sử dụng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong dự toán năm 2025 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, các ngành, các cấp trong tỉnh cần phối hợp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nghề phục vụ chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô và chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Song song đó, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, thực hiện tốt hoạt động phân luồng; khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Quan tâm phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu kiến thức, kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp; chú trọng đào tạo ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng cho người lao động có định hướng tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và phát triển học liệu số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ lao động học nghề; tổ chức các cuộc thi, hội thi về thiết bị đào tạo tự làm; phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó phát huy vai trò phối hợp, kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể... Kịp thời vinh danh, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có sáng kiến trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và công tác tuyển sinh, đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
NP