Tăng cường văn hóa an toàn lao động

Cập nhật ngày: 15/03/2013 06:06:16

Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia an toàn - vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ, PCCN) năm 2013 (từ ngày 17 đến 23/3/2013) là: “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”.


Sở Thông tin và Truyền thông đã đề ra Kế hoạch tuyên truyền cho tuần lễ này với mục tiêu: Tuyên truyền sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác AT-VSLĐ đối với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, các DN có nhiều nguy cơ về TNLĐ, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp; thúc đẩy các hoạt động cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; phòng ngừa TNLĐ và PCCN.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ TNLĐ làm 11 người bị nạn, trong đó có 8 vụ, chết 9 người; 2 vụ, 2 người bị thương nặng (năm 2011 có 11 vụ TNLĐ, chết 6 người). Trong năm qua, huyện Tháp Mười xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 3 người chết. Điển hình như vụ TNLĐ xảy ra vào 25/3/2012 tại trạm bơm nước xã Trường Xuân (Tháp Mười), do vi phạm kỹ thuật an toàn điện dẫn tới điện giật làm chết 2 người.

Để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, các sở, ban ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về AT-VSLĐ nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động để mọi người có ý thức cảnh giác và phòng ngừa TNLĐ. Đặc biệt lưu ý các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ như sử dụng điện, làm việc trên cao,...;

Phòng LĐTB&XH các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác AT-VSLĐ đối với DN, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lao động.

Đối với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người lao động (NLĐ) tự giác chấp hành các qui định về AT-VSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tổ chức huấn luyện về AT-VSLĐ cho tất cả NLĐ; thường xuyên kiểm tra máy móc, hệ thống dây dẫn điện, nối đất, nối không các thiết bị sử dụng điện để đảm bảo cho NLĐ làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng nội qui, quy trình làm việc an toàn theo hướng dẫn, đồng thời treo nơi đặt máy móc, thiết bị; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ và bắt buộc NLĐ sử dụng;...

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn