Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh
Tạo điều kiện cho hội viên ổn định việc làm
Cập nhật ngày: 23/08/2018 05:58:00
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Cao Lãnh luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên (HV) phụ nữ (PN) nghèo. Đầu năm 2018, Hội LHPN huyện quản lí, nhận giúp đỡ 97 HV nghèo. Thông qua các nguồn vốn tổ tiết kiệm, Quỹ vì PN nghèo, vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội... từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện giới thiệu cho 1.034 HV nghèo, cận nghèo, khó khăn vay vốn để làm kinh tế.

Đan thảm dậm chân, nghề tạo thêm thu nhập cho nhiều phụ nữ nông thôn ở huyện Cao Lãnh
Để giúp HV có thêm kiến thức làm kinh tế hiệu quả, Hội LHPN huyện và Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho các HV PN nông thôn tham gia học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế mới, hiệu quả như: nuôi heo trên đệm lót sinh học, mô hình vườn ao chuồng, mô hình trồng rau an toàn...
Niềm vui của gia đình cô Bùi Thị Nga ngụ ấp 6, xã Tân Hội Trung hiện nay là căn nhà mới và đã thoát nghèo. Cách đây 4 năm, gia đình cô Nga thuộc diện hộ nghèo. Hội LHPN xã giới thiệu cho gia đình cô vay 50 triệu đồng (năm 2014), cô đầu tư nuôi 5 con heo nái. Sau hơn 1 năm, heo đẻ lứa đầu tiên. Cô bán heo con, trừ chi phí, lãi gần 2 triệu đồng/con. Từ đó, cô Nga tiếp tục nghề nuôi heo, mỗi năm bán heo con 1 lần. Ngoài nuôi heo, vợ chồng cô còn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập; những lúc rảnh, cô làm thêm nghề đan lục bình.
Cô Nga chia sẻ: “Góp gió thành bão”, vợ chồng tôi cố gắng làm và tích lũy. Đến năm 2016, gia đình đã dần dần ổn định và thoát nghèo, có dư chút ít mới cất được căn nhà. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục nghề nuôi heo và đan lục bình. Cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, tôi rất mừng.
Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, nhằm giúp PN nông thôn, PN tuổi trung niên có thêm việc làm, thu nhập cho gia đình, từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN huyện tích cực phối hợp Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề, mở lớp nghề tại các xã, thị trấn. Việc làm này góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, hạn chế tình trạng học xong nghề, nhưng không tìm được việc làm. Hội LHPN huyện đã duy trì dạy nghề và truyền nghề cho trên 500 lao động mỗi năm với các nghề: may gia công, đan ghế nhựa, đan lục bình... giúp người lao động có việc làm, thu nhập trong lúc nhàn rỗi, góp phần ổn định cuộc sống.
Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Hội LHPN huyện phối hợp các ngành mở được 4 lớp dạy nghề nông thôn, với hơn 100 học viên tham gia gồm các nghề: may gia công, đan ghế nhựa, đan lục bình. Hiện tại, người dân các xã: Tân Hội Trung, Mỹ Long, Ba Sao, Mỹ Thọ... gắn bó với nghề đan thảm dậm chân, đan lục bình, đan ghế nhựa, thu nhập mỗi ngày từ 50.000 - 80.000 đồng. Ưu điểm của công việc này là không gò bó về thời gian, các chị rảnh giờ nào thì làm giờ nấy.
Cô Huỳnh Thị Út ngụ ấp 1, xã Tân Hội Trung cho biết: “Nhờ lột hạt sen, tôi có thu nhập để chi tiêu mỗi tháng. Tuổi cao, không làm được việc nặng, có việc nhẹ làm, mình cũng thấy vui”. Để các nghề nông thôn phát triển lâu dài, hiện nay, Hội LHPN huyện đã thành lập trong toàn huyện hơn 20 tổ liên kết gia công làm các sản phẩm: đan lục bình, lột hạt sen, đan thảm dậm chân... giúp các chị có nguồn hàng làm thường xuyên. Mỗi tổ thu hút hơn 20 PN làm việc mỗi ngày.
Chị Trần Thị Nết - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Thời gian tới, Hội duy trì các nguồn vốn tiếp sức cho HV PN nghèo, tăng cường giám sát các hộ nghèo được hỗ trợ vốn để phát huy hiệu quả. Chúng tôi tận dụng lợi thế địa phương phát triển nghề đan lục bình, đan thảm dậm chân, lột hạt sen, đồng thời tích cực tìm đầu ra ổn định hơn để các chị yên tâm làm nghề, phát triển thêm các tổ liên kết làm gia công các sản phẩm từ lục bình để có thêm việc làm cho PN nông thôn”.
MỸ XUYÊN