Lấp Vò

Tạo điều kiện giúp đỡ người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 05/08/2013 05:17:49

Để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, trong những năm qua, huyện Lấp Vò đã huy động mọi nguồn lực xã hội giúp cho người dân thoát nghèo.

Bên cạnh huy động mọi nguồn lực xã hội giúp đỡ về vốn, phương tiện sản xuất, việc làm, nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội và mở rộng các phương diện tiếp cận để các đối tượng khó khăn có điều kiện nhận được sự trợ sức.


Người nghèo chủ động kiếm thu nhập từ các nghề truyền thống tại địa phương

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch (UBMTTQVN) huyện Lấp Vò Trần Công Toàn cho biết: "Đánh giá đúng thực trạng, đề xuất chính sách phù hợp và hiệu quả, giải quyết tốt nhu cầu và tạo động lực để người nghèo tự vươn lên là một trong những cách giảm nghèo của địa phương trong thời gian qua".

Trên cơ sở điều tra, khảo sát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương tổ chức đánh giá về thực trạng, phân loại hộ nghèo và nhu cầu của từng hộ nghèo... tiếp đó xây dựng kế hoạch, phân công đảng viên bám sát cơ sở, giúp đỡ hộ nghèo, đảng viên trực tiếp tuyên truyền,vận động giúp đỡ, động viên từng hộ nghèo khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Hầu hết nguồn lực hỗ trợ người dân địa phương thoát nghèo chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Từ nguồn vốn vay này, người dân đầu tư sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, thời gian qua, huyện Lấp Vò phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng cường thu hồi vốn đối với hộ thoát nghèo để giúp hộ nghèo vay lại với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Thông qua phong trào "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn liền với một địa chỉ nhân đạo", Đảng ủy các địa phương đã vận động mạnh thường quân duy trì trợ cấp hằng tháng cho hộ nghèo loại II, trị giá bình quân 300.000 đồng/hộ/tháng.

Tiêu biểu như Đảng ủy xã Định Yên, mỗi tháng hỗ trợ tiền cho 36 hộ nghèo và 50 suất gạo; Đảng ủy thị trấn Lấp Vò vận động xây dựng 10 căn nhà cho hộ nghèo, mỗi căn từ 18 - 20 triệu đồng... Bên cạnh đó, các địa phương còn tổ chức chương trình văn nghệ gây Quỹ "Vì người nghèo" giúp hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Mai Thị Nở ở xã Bình Thành là hộ nghèo, trước đây làm nghề môi giới gái mại dâm, được địa phương tuyên truyền vận động, hỗ trợ cho chị vay 3 triệu đồng, giúp chị có điều kiện chuyển đổi nghề. Hiện nay, chị mua bán bánh kẹo ở chợ Vàm Cống, thời gian rảnh chị làm thuê cho các tiểu thương mua bán thịt ở chợ để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy chưa đủ tiền cất nhà khang trang, nhưng điều kiện kinh tế gia đình của chị tương đối ổn định.

Không chỉ hỗ trợ vốn, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu giảm nghèo như tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề nông thôn, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Nhiều lao động tại địa phương sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Anh Lê Phú Cường ở ấp Bình Lợi, xã Bình Thành cho biết: "Cả gia đình 5 miệng ăn, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, việc làm, cuộc sống rất khó khăn, nhờ được địa phương giới thiệu vào làm bốc vác tại kho phân, mỗi tháng tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng. Mẹ và vợ tôi phụ việc ở chợ được 1 trăm ngàn đồng/ngày, nay địa phương hỗ trợ nhà 167, gia đình tôi bớt khó khăn hơn, giờ đã được thoát nghèo".

Thông qua các chương trình, kế hoạch giảm nghèo đã kéo giảm số hộ nghèo trên địa bàn huyện qua từng năm, cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 14,33% (6.160 hộ), đến cuối năm 2012 chỉ còn 6,86 hộ, đồng thời số hộ cận nghèo cũng giảm từ 8,17% xuống còn 6,99%.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lấp Vò Trần Công Toàn cho biết: Ngoài sự hỗ trợ của địa phương, sự tự lực vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền để người dân không trông chờ, ỷ lại mà phải có ý thức thoát nghèo.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn