Tết này mừng thoát nghèo
Cập nhật ngày: 14/02/2013 06:30:49
Không ai muốn gia đình mình rơi vào cảnh nghèo, nhưng vì lý do nào đó bị nghèo mà có ý chí vươn lên mới là đáng quí. Những ngày cuối năm, chúng tôi gặp gỡ một số gia đình đã thoát nghèo. Đối với họ, Tết này vui nhất là không còn nặng lo gạo, tiền,... mà có những dự định làm ăn để khá hơn trong thời gian tới.
Anh Hồ chuẩn bị thuốc thú y đi điều trị
Cũng ở ấp Nam, có gia đình anh Trương Đông Hồ, được xem là thoát nghèo nhờ sự cần cù, ý chí vươn lên. Anh Hồ cho biết, khi anh lấy được bằng bác sĩ thú y Đại học Cần Thơ (năm 1993), 3 đứa con anh đang vào tuổi đi học, vợ anh mướn đất làm rẫy rất vất vả nhưng không lo nổi, anh phải về quê cùng vợ lo nuôi con ăn học, dù lúc đó ngành thú y đang “nóng”.
Anh Hồ tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo từ năm 2000, được xét cho vay 7 triệu đồng để chăn nuôi bò, nguồn vốn này có ý nghĩa rất quan trọng để tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bao năm qua, vợ chồng tôi vẫn mướn đất làm rẫy, nuôi bò và có thêm phòng game, cộng với công việc thú y của tôi, nên xoay xở được việc học cho các con. Hiện đứa con gái lớn đã ra trường có việc làm, đứa con trai học đại học năm thứ tư và đứa con gái út học Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp năm thứ nhất. Khi cậu con trai ra trường có việc làm thì tôi nhẹ lo hơn”.
Chị Linh tách ruột ốc cho vịt ăn bên cạnh ngôi nhà mới
Có căn nhà tường, 3 công ruộng và 2 đứa con trai đã đi làm công nhân là niềm vui lớn của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải và chị Nguyễn Thị Hải Linh (ấp 2, Mỹ Hòa, Tháp Mười). Gia đình này, vừa thoát diện hộ nghèo sau 4 năm nỗ lực vươn lên. Hiện anh Hải chăm sóc ruộng sen, còn chị Linh mỗi buổi sáng mua bánh mì, bánh canh, cháo,... rồi đi bán lại kiếm lời.
Chị Linh bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi ở nhà tạm, vợ chồng đi làm mướn, thu nhập không ổn định, con còn đi học nên kinh tế rất khó khăn. Khi có sổ hộ nghèo, được vay vốn nuôi bò, rồi được Nhà nước hỗ trợ trên 11 triệu đồng để cất nhà, được vay trả chậm 8 triệu đồng,... và được cha chồng cho 3 công ruộng nên gia đình có điều kiện tích lũy. Hiện tại, dù còn phải lo trả dần cho người thân tiền mượn xây nhà, nhưng mọi người trong gia đình ai cũng có việc làm, nên tôi thấy tương lai có điều kiện phát triển hơn”.
Vợ chồng anh Long chăm sóc đàn trâu, bò
Vợ chồng anh Trương Hoàng Long và chị Phan Thị Thủy (ấp Nam, Tân Thạnh, Thanh Bình) có ba con trai, trước đây ở nhà tạm, làm mướn, giăng câu, lưới kiếm sống qua ngày. Năm 2007, gia đình được cấp sổ hộ nghèo, được vay 7 triệu đồng nuôi vỗ béo 2 con bò, sau đó phát triển lên 4 con, rồi 8 con và hiện tại là 4 con bò và 6 con trâu.
Năm 2009, gia đình anh Long được Nhà nước hỗ trợ trên 10 triệu đồng để xây nhà, cùng với tiền anh em, bạn bè cho mượn, anh xây căn nhà trị giá gần 80 triệu đồng. Gia đình anh Long đã thoát nghèo từ năm 2011, hiện anh Long và hai đứa con lớn làm công nhân nuôi cá, vợ anh và đứa con út lo việc nuôi trâu, bò.
Có nhà ở khang trang, không còn thiếu nợ và có vốn như hôm nay, gia đình anh Long rất biết ơn những đồng vốn hỗ trợ kịp thời của Nhà nước để anh có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Ngân tận dụng khoảng đất trống trước nhà trồng rau
Không đất sản xuất, làm mướn, một đứa con phải giải phẫu tim năm 2009, nên vợ chồng anh Phạm Văn Tấn và chị Võ Thu Ngân (ấp Hòa Long, Hòa An, TP.Cao Lãnh) lại càng khó khăn hơn. Vào diện hộ nghèo năm 2010, gia đình này được vay 5 triệu đồng, sau đó trả và vay lại 20 triệu đồng để mướn đất trồng ớt, rau, mướn vườn xoài chăm sóc lấy trái, may gia công,...
“Ca mổ tim của con tôi tốn khoảng 150 triệu đồng nhưng được hỗ trợ 50%, còn lại đi tái khám mình phải tự lo, đến nay tốn cả trăm triệu đồng nữa. Được vay vốn làm ăn, vợ chồng tôi rất mừng và làm quyết liệt để sớm thoát nghèo”, chị Ngân nói.
Ông Huỳnh Duy Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, trong cuộc họp chính quyền tiếp xúc với hộ nghèo, chị Ngân đã mạnh dạn xin trả lại hộ nghèo (2011). Từ sự cần cù làm ăn, gia đình chị có tích lũy và mượn thêm tiền xây được căn nhà khoảng 150 triệu đồng, hai người con vẫn đang học THCS.
Thành Nam