Thanh Bình: Đào tạo nghề theo địa chỉ

Cập nhật ngày: 08/05/2013 05:29:13

Huyện Thanh Bình có trên 8 công ty, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hoạt động trong và ngoài cụm công nghiệp. Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thức ăn, may mặc đang hoạt động, Trường Trung cấp nghề Thanh Bình tập trung tuyển dụng, đào tạo nghề cho lao động đáp ứng nhu cầu này, trong đó có việc đào tạo nghề theo địa chỉ.


Học viên Trường Trung cấp nghề Thanh Bình thực hành chế biến thủy sản

Trong năm 2012, trường đã đào tạo nghề theo địa chỉ cung cấp cho Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty Cổ phần Vạn Ý, số lượng học viên được đào tạo chuyên ngành chế biến thủy sản là 500 người, đạt tỷ lệ 100% chỉ tiêu do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giao.

Anh Nguyễn Khánh Tường - Phòng tổ chức, hành chính Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty Cổ phần Vạn Ý cho biết, công ty vẫn cần lao động ở các chuyên ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghệ thực phẩm, kế toán, điện, cơ khí, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, dự kiến khoảng 2.000 lao động phổ thông gồm lao động đã qua hoặc chưa qua đào tạo.

Nhu cầu lao động phổ thông được công ty dự kiến tuyển dụng, là thông tin khá hấp dẫn đối với các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn huyện. Ngoài 2 công ty nêu trên, còn có 7, 8 doanh nghiệp, công ty như Công ty Trường Giang, Công ty Á Châu... cần số lượng lớn lao động phổ thông tại địa phương.

Để cung ứng đủ số lao động cho các công ty, doanh nghiệp, Trường Trung cấp nghề Thanh Bình phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn, đồng thời đến tư vấn trực tiếp tại 16 điểm trường THCS, THPT tại huyện Thanh Bình và các huyện lân cận. Ngoài ra, trường cũng thông tin trên hệ thống các trạm truyền thanh xã, thị trấn, phát tờ rơi đến đối tượng có nhu cầu tìm việc làm...

Ông Phạm Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thanh Bình cho biết: “Hàng năm, một số Công ty đều đặt hàng cho trường trong đào tạo lao động như năm 2011 là 1.000 lao động, năm 2012 là 500 lao động. Năm 2013, dù nhu cầu cần người của đơn vị đặt hàng 3.000 lao động phổ thông, nhưng chúng tôi chỉ đào tạo khoảng 2.000 lao động cung cấp cho các doanh nghiệp...”.

Hiện tại, do lao động nhảy việc khá nhiều, để đào tạo đủ số lượng học viên cung cấp cho các đơn vị, Trường Trung cấp nghề Thanh Bình đã đổi mới công tác giáo dục, xây dựng chương trình giảng dạy thích hợp; tăng thời lượng chương trình thực hành, giúp học viên thao tác đúng quy trình. Ngoài ra, trường còn chủ động liên kết với doanh nghiệp gửi học viên thực tập tại công ty để làm quen với công nghệ hiện đại. Cách làm này giúp học viên rút ngắn được thời gian tiếp cận công việc.

Theo Trường Trung cấp nghề Thanh Bình, sau đào tạo nghề theo địa chỉ tỉ lệ lao động tìm được việc làm tại doanh nghiệp đạt trên 90%.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn