Thiếu sân chơi cho trẻ em

Cập nhật ngày: 27/09/2013 05:28:11

Thiếu sân chơi dành cho trẻ em (TE) hoặc vài nơi có sân chơi nhưng ít được đầu tư dẫn đến nhiều trò chơi bị hư, cũ kỹ là thực trạng chung tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những cán bộ làm công tác bảo vệ TE, phụ huynh và TE vùng nông thôn luôn mong muốn có được một sân chơi đúng nghĩa, bổ ích.


Khu vui chơi giải trí duy nhất tại huyện Tháp Mười

Buổi chiều, trước cổng Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện Cao Lãnh có gần chục em tập trung gần sân cỏ nhân tạo để chờ đến lượt đội mình đá bóng, trong đó có nhiều em đến từ các xã lân cận. Em Trần Phạm Anh Khoa (SN 1999) cho biết, gần nhà em không có sân bóng đá mi ni nên em và các bạn chơi trên khu dân cư nhưng hay bị người dân không cho chơi vì trái bóng văng vào nhà. Để được vô sân cỏ nhân tạo đá bóng, mỗi chiều Khoa và các bạn đạp xe đến Trung tâm VHTT huyện Cao Lãnh đóng từ 10 ngàn đến 15 ngàn đồng/người phí thuê sân. Theo Khoa, em được ba mẹ cho tiền chơi bóng, còn những bạn ba mẹ không cho tiền thì ở nhà.

Ông Ngô Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Cao Lãnh cho biết, thực tế sân chơi và bãi tập cho TE trên địa bàn huyện còn thiếu. Sân chơi chủ yếu tập trung trên địa bàn thị trấn và một vài xã điểm xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân thiếu sân chơi là kinh phí hạn hẹp nên hạn chế đầu tư cơ sở vật chất và khó có thể duy trì các hoạt động vui chơi. Cũng theo ông Ngô Hoàng Phúc, khu trò chơi tại Trung tâm VHTT do tư nhân đầu tư chưa đổi mới, chỉ vài trò chơi, nên thu hút số TE tham gia vui chơi chưa nhiều.

Tại Trung tâm VHTT huyện Tháp Mười cũng có khu vực vui chơi giải trí cho TE do tư nhân cho thuê nhưng cũng chỉ vài trò chơi, trong đó có nhiều trò chơi bị hư, bạc màu do phơi ngoài nắng. Bà Bùi Thị Thơm - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Tháp Mười cho biết, trung bình mỗi đêm có 100 lượt em đến khu vui chơi giải trí tại Trung tâm tham gia các trò chơi, trong đó có những em ở địa bàn lân cận như xã Mỹ An, Mỹ Hòa, Mỹ Đông,... Đây cũng là khu vui chơi dành cho TE duy nhất trên địa bàn huyện.

Còn tại huyện Tân Hồng, đến thời điểm này, sân chơi dành cho trẻ còn là bài toán nan giải. Anh Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc TE - Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Hồng cho biết, hiện toàn huyện không có sân chơi đúng nghĩa dành cho TE. Do kinh phí eo hẹp nên huyện chỉ còn cách đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng sân chơi cho trẻ.

Đến nay, huyện Lai Vung có 1 điểm vui chơi giải trí tại thị trấn do tư nhân đầu tư và có 4 điểm cho thuê trò chơi quay ngựa tại các chợ xã nhưng hoạt động không cố định. Ông Nguyễn Văn Tường - Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung cho biết, trong kế hoạch bảo vệ TE huyện hằng năm đều nêu lên khó khăn và đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu vui chơi giải trí TE nhưng đến nay chưa có khu vui chơi nào được xây dựng từ kinh phí nhà nước. Trước thực tế không có khu vui chơi giải trí do Nhà nước đầu tư không thu tiền nên hàng năm các xã, thị trấn khi xét xã, phường phù hợp TE đều bị trừ điểm tiêu chí “khu vui chơi giải trí”.

Có được một môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn là điều kiện quan trọng giúp trẻ phát triển và hoàn thiện kỹ năng sống, do đó việc đầu tư xây dựng sân chơi cho TE là vô cùng cần thiết.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn