Thuận lợi bước đầu trong công tác chuyển đổi số phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Cập nhật ngày: 11/10/2022 05:27:47
Thực hiện Kế hoạch của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia 10/10 hàng năm, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động truyền thông về CĐS ngành BHXH Việt Nam với định hướng: Vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Tại Đồng Tháp, bước đầu công tác CĐS của BHXH tỉnh có một số thuận lợi trong triển khai các dịch vụ như sau:
Về dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị sử dụng lao động hầu hết đều được trang bị máy tính, đường truyền Internet và có chứng thư số nên đa số các đơn vị kê khai hồ sơ BHXH điện tử thông qua Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam hoặc qua các nhà cung cấp IVAN. Tính đến nay, có hơn 2.484 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử, đạt 90%; triển khai hướng dẫn đăng ký giao dịch điện tử cá nhân và cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) để người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến với cơ quan BHXH và đã có 229.437 người cài đặt ứng dụng.
Đối với giải quyết các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên hệ thống phần mềm tập trung của ngành BHXH Việt Nam, được liên thông với Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, các nhà cung cấp IVAN, các hồ sơ phát sinh được cán bộ xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất việc trễ hồ sơ trên hệ thống; các thủ tục hành chính phát sinh được cấu hình kịp thời trên hệ thống; các thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền luôn được đảm bảo thông suốt.
Về quy trình thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi: BHXH Việt Nam đã có Công văn số 149/BHXH-CNTT ngày 15/1/2020 và Công văn số 680/BHXH-CNTT ngày 4/3/2020 về việc liên thông dữ liệu khai sinh với Bộ Tư pháp trên hệ thống các phần mềm nghiệp vụ hiện tại đã thực hiện 100% điện tử, hồ sơ điện tử của UBND xã, phường, thị trấn thực hiện kê khai và chuyển về BHXH tỉnh, huyện trên phần mềm của Bộ Tư pháp. Sau khi cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn cập nhật phát sinh đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi và chuyển dữ liệu qua BHXH tỉnh, huyện thực hiện in và trả thẻ BHYT trẻ em cho UBND xã, phường, thị trấn trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Ngành BHXH Việt Nam đã đầu tư, thiết bị, cơ sở hạ tầng, đường truyền và các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống thông tin các phần mềm nghiệp vụ, hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, hệ thống an toàn, an ninh mạng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để triển khai Đề án 06.
Bên cạnh đó, các phần mềm thuộc hệ thống phần mềm của BHXH Việt Nam liên kết chặt chẽ, liên thông dữ liệu với nhau, quy trình thực hiện hoàn toàn 100% trên các phần mềm. Hạ tầng công nghệ thông tin tại BHXH tỉnh Đồng Tháp đủ tiêu chuẩn, điều kiện để triển khai thực hiện các thủ tục liên thông với các đơn vị; đã được trang bị đầy đủ các phương tiện và trang thiết bị như: máy chủ, máy trạm, máy in, máy scan, đường truyền, thiết bị tường lửa, thiết bị cân bằng tải... trang bị chứng thư số cho tất cả viên chức tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và viên chức trực tiếp liên quan đến số hóa dịch vụ công thiết yếu của tỉnh và huyện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Vũ - Phó Giám đốc BHXH tỉnh: “Do điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn nhiều khó khăn, việc sử dụng thiết bị di động, máy vi tính còn hạn chế, nên việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa được nhiều”. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư có nhiều trường hợp không xác thực được bao gồm cả trẻ em đã được cấp số định danh, cá nhân và người tham gia đã được cấp căn cước công dân (CCCD) với các thông báo lỗi như: số định danh không tồn tại trong CSDL quốc gia về dân cư hoặc thông tin không chính xác về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính.
Số lượng CCCD chưa được đồng bộ với CSDL của BHXH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn cao, do đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là quyền lợi về BHYT trong trường hợp người dân phải nhập viện cấp cứu.
Ngoài ra, các đầu quét mã vạch (Qrcode) tại các Cơ sở khám chữa bệnh (KCB) không đọc được Qrcode trên CCCD gắn chíp (do đầu đọc cũ, kích thước Qrcode trên CCCD có diện tích nhỏ, CCCD của người dân bị mờ, xước), hoặc đọc được nhưng bị lỗi phông chữ đối với các chữ tiếng Việt có dấu; nhiều cơ sở KCB tuyến xã chưa được trang bị đầu quét Qrcode. Do đó, khi người bệnh làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp thì các cơ sở KCB sẽ phải nhập thủ công, làm chậm quá trình tiếp đón bệnh nhân. Do không phải xuất trình thẻ BHYT giấy (cơ sở KCB không giữ thẻ BHYT giấy trong quá trình KCB), nên đã có tình trạng bệnh nhân khám ngoại trú nhiều nơi trong ngày (khi chưa kết thúc khám tại các cơ sở KCB trước) dẫn đến việc chỉ định trùng xét nghiệm và trùng thuốc giữa các cơ sở KCB.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa toàn diện trong quản lý, thực hiện BHXH, BHYT nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ. Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kê khai số định danh cá nhân/CCCD khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT và các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số, phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2022.
V.H.