Thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới

Cập nhật ngày: 13/02/2022 10:20:55

ĐTO - UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới (BĐG) đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông về BĐG; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện BĐG; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng BĐG trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cụ thể, hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về BĐG ít nhất 2 cuộc. Đến năm 2025 đạt 100% sở, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về BĐG của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% quy ước khóm, ấp đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác BĐG cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về BĐG và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về BĐG. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về BĐG trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG, nhân rộng các mô hình truyền thông về BĐG có hiệu quả.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện Kế hoạch. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai việc cung cấp, phổ biến, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về BĐG đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức và các địa phương liên quan, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đổi mới hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật về BĐG.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bảo đảm nguyên tắc BĐG; chỉ đạo, hướng dẫn việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng các thiết chế văn hóa, Quy ước khóm, ấp; sinh hoạt Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” ở khóm, ấp; phát động các phong trào tiến bộ, hạnh phúc, tôn trọng sự đa dạng và thúc đẩy sự sẻ chia...

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn