Thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá
Cập nhật ngày: 22/10/2016 09:19:38
ĐTO - Theo Thạc sĩ Lê Thị Thanh Hương (Trường Đại học Y tế Công Cộng) - điều phối viên Dự án vận động và hỗ trợ thực thi quy định cấm quảng cáo (QC) và khuyến mại (KM) thuốc lá (TL) tại các điểm bán lẻ TL tại Việt Nam, ngành công nghiệp TL chi hàng tỷ đô la mỗi năm cho các hoạt động tiếp thị TL; đưa thông tin sai lệch về tác hại của TL; sử dụng hình ảnh hào nhoáng thu hút người dùng, các chiêu thức bán hàng, KM; tạo ra ảo tưởng rằng TL là một sản phẩm tiêu dùng bình thường; tăng độ hứng thú của thanh niên với việc hút thuốc; tăng mong muốn hút thuốc trở lại của người hút thuốc. Do đó, cấm hoàn toàn QC, KM, tài trợ TL là cần thiết.
Tổng kết dự án vận động thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Đồng Tháp
Trường Đại học Y tế Công Cộng chọn 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Đồng Tháp nghiên cứu thực trạng quy định cấm QC và KM thuốc lá tại các điểm bán lẻ (ĐBL) với kết quả: 37% ĐBL vi phạm quy định về QCTL; 88,5% điểm vi phạm quy định về trưng bày TL; 2,3% điểm vi phạm quy định về KM thuốc lá; 1,3% điểm vi phạm cả quy định về QC, trưng bày và KMTL. Trong chiến dịch truyền thông tại Đồng Tháp của dự án trong năm 2015 và 2016, đã tập huấn cho các thanh tra địa phương; phát tờ rơi, sổ tay hướng dẫn cho các chủ cửa hàng có bán TL; thực hiện 4 đợt giám sát tình hình vi phạm tại các ĐBL; thu thập số liệu về những vi phạm quy định QC, KMTL tại các ĐBL. Kết quả nghiên cứu tại Đồng Tháp, năm 2015 có 99,5% ĐBL vi phạm các quy định về trưng bày TL, giảm còn 54% năm 2016; vi phạm quy định về cấm KMTL tăng từ 0% năm 2015 lên 5,5% năm 2016 do chiến thuật của ngành công nghiệp TL;...
Ngày 18/6/2012, Luật Phòng chống tác hại của TL được Quốc hội phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Luật này có quy định: QC, KMTL; tiếp thị TL trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức là hành vi bị nghiêm cấm. Tổ chức, cá nhân kinh doanh TL chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu TL và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó. Ngoài chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ TL phải treo biển thông báo không bán TL cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ TL không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu TL...
Tuy nhiên, các công ty TL vẫn tận dụng những “kẽ hở” của luật để quảng bá hình ảnh sản phẩm TL đến người tiêu dùng bằng nhiều chiêu thức tinh vi, khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Chiến thuật trong KMTL là tặng quà khi khách hàng mua thuốc lá như: một số vật phẩm KM thường gặp (bật lửa, hoặc vỏ bao TL bằng kim loại); thay vì “tặng” miễn phí, các sản phẩm kèm bao thuốc sẽ được “tính giá” rất rẻ; một số nhãn hàng thường đính kèm tem theo từng bao thuốc, khách hàng gom các tem này để đổi lấy một bao thuốc mới; tặng thẻ cào trúng thưởng khi mua thuốc;... Hiện nay, tài trợ TL vẫn xuất hiện nhưng có phần kín đáo hơn trước. Trong khi đó, quy định hiện hành còn kẽ hở như: chưa cấm trưng bày TL tại điểm bán; cho phép tài trợ với mục đích nhân đạo; các văn bản pháp luật chưa thống nhất. Bên cạnh đó, nhận thức của chủ cửa hàng về các quy định cấm QC, KMTL chưa tốt; lực lượng thanh tra mỏng, thiếu cán bộ chuyên trách;... làm hạn chế trong công tác xử phạt.
Trường Đại học Y tế Công Cộng khuyến nghị Chính phủ cần kiện toàn các văn bản pháp quy về các hình thức QC, KM, tài trợ TL, cụ thể: vị trí trưng bày sản phẩm; vị trí, kích cỡ dòng chữ “Cấm bán TL cho người dưới 18 tuổi”; ghi rõ định nghĩa “nhãn hiệu”, “hành vi KM”, “sản phẩm KM” trong luật; phải có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt các đối tượng liên quan đến hoạt động QC, KM và tài trợ TL: công ty TL, đơn vị QC TL trung gian; tiến tới lộ trình cấm hoàn toàn việc trưng bày TL tại điểm bán cũng như các hoạt động tài trợ nhân đạo nhằm mục đích QC thương hiệu.
TN