Tiếp sức cho người nghèo, cận nghèo, khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 07/09/2021 10:25:59
ĐTO - Trong thời điểm dịch Covid-19, với sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các huyện, thành phố, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trong toàn tỉnh đã được nhận các chính sách hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng từ các nguồn ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ của Trung ương.
Gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia được chuyển đến để phát cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười
UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngoài các đối tượng chính được hưởng, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh bổ sung các nhóm đối tượng, đặc biệt là đối tượng yếu thế có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Tính đến thời điểm hiện nay, từ các nguồn kinh phí, tỉnh đã hỗ trợ cho 172.935 người, với tổng kinh phí 118.593 triệu đồng, bao gồm hỗ trợ gạo cho 108.745 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ cho 9.932 người bán vé số dạo với số tiền 14.898 triệu đồng. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp tạm dừng sản xuất để thực hiện công tác phòng, chống dịch đã ảnh hưởng đến đối tượng lao động tự do.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố đã khẩn trương rà soát, lập danh sách, triển khai đến các đối tượng theo quy định. Qua rà soát, các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chi hỗ trợ đối với 52.458 đối tượng lao động tự do với tổng số 78.687 triệu đồng. Hỗ trợ gạo cho người dân theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg theo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ gạo (đợt I) với số lượng 1.000 tấn. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các huyện, thành phố tiếp nhận và phân bổ; đến nay, các huyện, thành phố đã hỗ trợ gạo cho 66.645 người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh, hoàn thành đạt gần 100% số gạo đã nhận (đợt I). Ngoài các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, trong thời gian giãn cách xã hội đến thời điểm này, tỉnh đã phê duyệt 2.107 lao động, các huyện, thành phố, đã hỗ trợ 1.709 lao động được hưởng chính sách (trong đó 143 lao động mang thai hoặc nuôi con nhỏ), với số tiền 5.777 triệu đồng...
Cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, chăm lo cho đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại thành phố Sa Đéc, UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường khẩn trương rà soát, lập danh sách hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đề nghị hỗ trợ là 1.647 người với kinh phí chi hỗ trợ là 6.226.370.000 đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt chi hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 1.299 lao động; kinh phí chi hỗ trợ hơn 4,8 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ vẫn tiếp tục được triển khai, thực hiện trên địa bàn.
Tại huyện Tháp Mười, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn được chính quyền địa phương tập trung thực hiện. Đến nay, có 11.000 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do và người bán vé số dạo trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được nhận hỗ trợ, nguồn gạo được phân bổ từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các xã, thị trấn trong toàn huyện đợt 1 đã được chuyển đến và phát cho các đối tượng gặp khó khăn giúp họ ổn định cuộc sống. Ngoài ra, địa phương cũng đã và đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo Sở LĐ-TB&XH, với sự hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương, việc triển khai các chính sách hỗ trợ từ tỉnh đến cơ sở được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, phân công trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành; ngay sau triển khai, công tác hỗ trợ cho người dân được thực hiện nhanh, nhất là việc thực hiện hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Các thủ tục, trình tự thực hiện đã được đơn giản hóa rất nhiều, thông thoáng hết mức có thể, không chỉ đối với Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mà Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh cũng đơn giản so với trước đây: giảm tối đa yêu cầu về thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt; có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi trên cơ sở dữ liệu sẵn có. Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng, thực hiện đồng bộ, đầy đủ, công khai từ tỉnh đến cơ sở để người dân, người lao động, doanh nghiệp biết và thực hiện.
Bên cạnh thuận lợi, khó khăn hiện nay đối với việc hỗ trợ là một số trường hợp người lao động không có ký kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trên địa bàn nhiều, lao động làm cho các doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, do đó khi thực hiện các chính sách hỗ trợ thì không thuộc diện được hỗ trợ... Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phân khai kinh phí khi được giao vốn thực hiện; triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hồ sơ, chi trả đối với các đối tượng tại địa phương, công khai các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân về các chính sách hỗ trợ.
C.P.