Tiếp tục đào tạo nghề, việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 11/04/2023 05:22:54
ĐTO - Hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức, tay nghề cao trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động - Đó là một trong những mục tiêu của kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
Người dân xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cá tra giống sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp (Ảnh: H.Ngự)
Theo đó, các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động năm 2023, đặc biệt, UBND các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo kế hoạch, định kỳ rà soát điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động. Năm 2023, tỉnh phấn đấu dạy nghề, đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 3.300 lao động nông thôn. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Tại huyện Cao Lãnh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung đạt nhiều kết quả nổi bật, những năm qua, địa phương đã mở được nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với hàng trăm học viên tham gia, đã giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tại địa phương. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cao Lãnh sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.110 lao động nông thôn với các lớp trồng trọt, chăn nuôi thủy sản... góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đến năm 2025 đạt 80% (trong đó qua đào tạo nghề đạt 60%). Riêng năm 2022, huyện Cao Lãnh mở được 10 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với gần 245 học viên. Sau khi học nghề, phần lớn lao động tự tạo việc làm, có thu nhập, góp phần cải thiện đời sống gia đình.
Anh Nguyễn Văn Hiền ngụ Ấp 1, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, năm 2022, tôi tham gia lớp kỹ thuật trồng ớt do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức, từ đó gia đình quyết định chuyển gần 3.000m2 sản xuất lúa sang trồng ớt. Tuy giá ớt có tăng giảm, nhưng trồng ớt cho thu nhập cao hơn từ 3 - 5 lần so với sản xuất lúa trên cùng một diện tích”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 toàn tỉnh đã tổ chức 70 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 1.740 lao động tham gia. Qua thống kê, rà soát của các huyện, thành phố đa số người sau học nghề tự tìm việc làm hoặc ứng dụng vào sản xuất tại hộ gia đình (đạt 99%) góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Trong đó, lĩnh vực ngành nghề trồng trọt mở được 47 lớp với 1.202 học viên (chiếm 67%), chăn nuôi có 16 lớp với 380 học viên (đạt 23%), nuôi trồng thủy sản 7 lớp với 158 học viên (chiếm 10%).
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến nông, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mở được 54 lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn về thủy sản, chăn nuôi cho khoảng 1.950 lao động nông thôn, hội quán tại các địa phương trong tỉnh. Nhìn chung, các học viên sau khi học nghề đã tiếp thu và ứng dụng kiến thức vào sản xuất của gia đình, từ đó tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, đời sống cải thiện hơn.
Liên quan đến kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn năm 2023, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng thời ưu tiên, tạo điều kiện cho học viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ các khoản vay đối với lao động làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề. Xây dựng và nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình khuyến nông, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nhằm giúp người lao động an tâm sản xuất tại địa phương.
HỒNG NGỰ