Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Cập nhật ngày: 18/02/2023 11:40:15
ĐTO - Thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Tháp những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống TNXH thời gian tới.
Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu trong buổi kiểm tra triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” tại TP Sa Đéc
Phóng viên (PV): Thưa ông, trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác phòng, chống TNXH. Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật mà ngành đã đạt được?
Ông Huỳnh Duy Khương: Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống TNXH theo lĩnh vực phụ trách. Trong đó, chú trọng công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; phòng, chống tệ nạn mại dâm và mua bán người. Với sự quyết tâm của toàn ngành, công tác phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 634/692 người nghiện ma túy (91,6%) có hồ sơ quản lý được tổ chức cai nghiện bằng các hình thức phù hợp; 100% người nghiện ma túy hoàn thành điều trị, cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện tỉnh được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” đến 127/143 xã, phường, thị trấn (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch). Năm 2022, có thêm 11 xã có ma túy được chuyển hóa thành xã không có ma túy, cộng dồn đến nay, toàn tỉnh có 27 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận không có ma túy. Công tác phòng, chống mại dâm, mua bán người tiếp tục được quan tâm, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch của ngành...
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành LĐ-TB&XH còn gặp những khó khăn gì trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống TNXH, thưa ông?
Ông Huỳnh Duy Khương: Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNXH còn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, công tác rà soát, thống kê người nghiện ma túy còn gặp nhiều vướng mắc, nên số người nghiện trong cộng đồng chưa có hồ sơ quản lý vẫn còn. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm hoạt động ngày càng tinh vi nên lực lượng chức năng rất khó tiếp cận, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các trường hợp bị mua bán còn gặp khó, do nạn nhân tự trở về mà không khai báo với chính quyền địa phương hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng vì tâm lý sợ bị kỳ thị.
PV: Xin ông cho biết, năm 2023, ngành LĐ-TB&XH đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gì trong công tác phòng, chống TNXH?
Ông Huỳnh Duy Khương: Năm 2023, công tác phòng, chống TNXH tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ tăng cường tuyên truyền về phòng, chống TNXH cho cán bộ, người lao động và Nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” gắn với công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và quản lý sau cai tại nơi cư trú theo Luật phòng, chống ma túy năm 2021; thực hiện các giải pháp giữ vững và nhân rộng các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đối với nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm, Sở LĐ-TB&XH sẽ lồng ghép với các chương trình phòng, chống ma túy, giảm nghèo, an sinh xã hội...; phối hợp với các ngành, địa phương duy trì và nhân rộng hoạt động của mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”. Với sự quyết tâm cao, toàn ngành LĐ-TB&XH sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống TNXH năm 2023 đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
P.LỘC (thực hiện)