TP Sa Đéc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, việc làm cho người dân
Cập nhật ngày: 08/01/2022 06:15:56
ĐTO - Những năm qua, TP Sa Đéc đã phát huy mạnh mẽ tiềm năng phát triển trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, chăm lo cho đời sống của người dân. Với sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP Sa Đéc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố đã tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ công tác đào tạo nghề, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Người lao động tại TP Sa Đéc có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn
Mỗi năm, Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc đều tham mưu cho UBND TP Sa Đéc triển khai các kế hoạch về công tác đào tạo nghề, việc làm. Phối hợp cùng các ngành, UBND các xã, phường tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn theo nhu cầu và tuyên truyền công tác tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng... Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH thành phố chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để nắm thông tin, số lượng đăng ký và có kế hoạch tổ chức các lớp nghề, giải quyết việc làm; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn, UBND các xã, phường rà soát số lượng, ngành nghề cần đào tạo đáp ứng nhu cầu của người lao động (LĐ) và đơn vị tuyển dụng LĐ trên địa bàn... Từ những số liệu rà soát, ghi nhận từ thực tế, TP Sa Đéc đã xây dựng kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu mở các lớp đào tạo nghề về Sở LĐ-TB&XH theo từng năm, giai đoạn và triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tăng thêm thu nhập. Phối hợp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng LĐ trong và ngoài tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người LĐ tham dự các phiên giao dịch việc làm hàng tháng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Chủ động liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong dân để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người LĐ.
Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo quy định đối với người học nghề, kết nối giới thiệu việc làm, góp phần thu hút người dân tham gia học nghề. Theo đó, người LĐ khi tham gia học nghề đối với trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, sẽ được miễn học phí. Đặc biệt, những đối tượng như: người khuyết tật, hộ nghèo, gia đình chính sách, người bị thu hồi đất hay người dân tộc thiểu số, LĐ nữ bị mất việc làm,... được hỗ trợ thêm tiền ăn 30.000đ/ngày/người và tiền đi lại khi tham gia học nghề 200.000đ/người/tháng (đối với người LĐ có nhà cách nơi học nghề từ 15km trở lên). Sau khi hoàn thành khóa học, người LĐ được Phòng LĐ-TB&XH thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND xã, phường kết nối, giới thiệu việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức được hơn 50 lớp đào tạo các nghề: may công nghiệp, chế biến và bảo quản thủy sản, phi lê cá, sửa kiểng Bonsai, với tổng số LĐ được đào tạo là 3.549 người. Trong đó, có các lớp nghề phi nông nghiệp được tổ chức theo đơn đặt hàng như: lớp may công nghiệp hay phi lê cá, sau khi học viên được đào tạo xong sẽ được nhận học viên vào làm việc tại các doanh nghiệp như: Xí nghiệp May 6, Xí nghiệp may Sa Đéc, Công ty CP Thủy sản Trường Giang,... với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Theo Phòng LĐ-TB&XH thành phố, trong giai đoạn 2021-2025, TP Sa Đéc có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho khoảng 3.660 LĐ, tổng kinh phí là hơn 5 tỷ đồng. Riêng năm 2022, TP Sa Đéc dự kiến dành 1,1 tỷ đồng để mở 19 lớp, đào tạo nghề cho 860 học viên. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề mang lại cơ hội việc làm cho người dân. Ông Lê Thiện Đào Duyên - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc cho biết: “Trong thời gian tới, TP Sa Đéc tiếp tục tăng cường các giải pháp tập trung cho công tác đào tạo nghề theo quy định; chủ động gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường LĐ và giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, dự báo nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề. Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong công tác đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Chủ động nắm bắt các nguyện vọng của người LĐ có nhu cầu học nghề phù hợp tại địa phương, liên kết, phối hợp duy trì tốt hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, đảm bảo việc làm cho người LĐ sau khi học nghề, ổn định thu nhập cho người dân...”.
LÊ THANH