Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được giúp đỡ

Cập nhật ngày: 24/05/2013 03:53:51

Mỗi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) được hỗ trợ 3 tháng liên tiếp, mỗi tháng 300.000 đồng từ mô hình trợ giúp trẻ em (TE) lang thang, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kinh phí do ngân sách tỉnh phân bổ. Không chỉ vậy, cộng tác viên tham gia mô hình và các ngành đoàn thể tại những xã có mô hình điểm luôn quan tâm đến các em có HCĐB, nên các em không phải đi lang thang, bỏ học hoặc gặp nguy hiểm.

Nhờ kinh phí hỗ trợ từ mô hình, em Phan Hoài Nam được tiếp tục học tập

Mang chiếc áo trắng mua từ đầu năm học ra khoe với chúng tôi, Phan Hoài Nam - học sinh lớp 8, Trường THCS Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) cho biết: “Nhà em nghèo, đầu năm học bà ngoại bệnh không đi buôn bán được nên không có tiền mua quần áo, sách vở cho em, tiền ăn sáng không có. Khi đó, em nghĩ chắc mình không thể học tiếp, nhưng nhờ cô cán bộ ở xã hỗ trợ tiền giúp em liên tiếp 3 tháng, em có điều kiện đi học, không nghĩ đến chuyện bỏ học nữa. Có tiền em mua được áo mới và tập viết đi học”.

Bác Đoàn Thị Ngõa (sinh năm 1950) ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thành - ngoại của Phan Hoài Nam kể: “Ba mẹ Nam đã ly dị và đều lập gia đình khác, để Nam lại cho bác nuôi. Hàng năm, Nam đều là học sinh khá. Để có tiền nuôi cháu, hàng ngày bác đi hái rau đem ra chợ bán. Những lúc bệnh, không kiếm ra tiền để nuôi cháu đi học. Nhờ có tiền hỗ trợ từ mô hình trợ giúp trẻ em nên bác mới tiếp tục thực hiện được nguyện vọng của cháu mình là được đi học như những đứa trẻ khác trong xóm.”

Cách đây 3 năm, vợ anh Nguyễn Ngọc Mỹ qua đời để lại 6 người con, trong đó có 4 người con hiện đang học từ lớp 3 đến lớp 7, anh lại bị bệnh thận và gai cột sống, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên hàng ngày phải lo cho 4 người con ăn học rất khó khăn, có lúc anh tưởng chừng không còn khả năng lo cho các con vì quá túng thiếu. Xác định các con anh Mỹ có nguy cơ bỏ học, thông qua mô hình, từ năm 2012, địa phương đã hỗ trợ tiền cho con anh là Nguyễn Ngọc Hồng Đào.

Anh Mỹ bộc bạch: “Tôi đi làm mướn nên không đủ tiền nuôi các con. Có khi dép của con bị đứt, muốn mua dép mới cũng không có tiền. Được địa phương hỗ trợ tiền tôi mừng lắm. Nhờ số tiền 300.000 đồng/tháng mà tôi mua dụng cụ học tập, cho mỗi đứa 3.000 đồng tiền ăn sáng để no bụng đi học”.

Chị Phan Thùy Dung - cán bộ phụ trách thương binh, xã hội xã Bình Thành cho biết, tổng số TE dưới 16 tuổi của xã là trên 3.500 em, trong đó số TE đang sống trong hộ nghèo là 400 em, trẻ em có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB là 115 em. Các em có hoàn cảnh đặc biệt là những em có đời sống khó khăn, ba mẹ ly hôn, chết,... Theo chị Dung, đây là mô hình rất cần thiết đối với các em có HCĐB, nhiều em trong xã được hỗ trợ tránh khỏi nguy cơ bỏ học và không phải theo ba mẹ lao động nặng nhọc.

Mô hình được thực hiện tại nhiều huyện, thị, thành trong tỉnh, trong đó huyện Thanh Bình có 3 xã thực hiện gồm Tân Bình, Tân Long và Bình Thành, có trên 110 em có HCĐB như: bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa, lao động nặng nhọc,... Từ năm 2012, thông qua mô hình, ngoài hình thức trợ cấp thường xuyên, các em còn được địa phương quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tạo điều kiện học nghề và trở lại trường học tập.

Ông Nguyễn Văn Bừng - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Bình cho biết, các xã thực hiện mô hình đều có Ban bảo vệ TE (gồm Phó Chủ tịch UBND xã, công an, tư pháp, trưởng ấp, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn xã,...) và lực lượng cộng tác viên hoạt động tích cực, hiệu quả. Trung bình mỗi ấp có 2 cộng tác viên theo dõi tình hình TE trên địa bàn mình phụ trách, thường xuyên vãng gia tư vấn phát hiện các vấn đề bức xúc của trẻ và báo cáo kịp thời cho Ban Bảo vệ TE cấp xã về các trường hợp trẻ cần được hỗ trợ khẩn cấp như: nguy cơ bị xâm hại, bỏ học lao động kiếm sống, nguy cơ vi phạm pháp luật và đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp.

Đến nay, các xã thực hiện mô hình tại huyện Thanh Bình không có trẻ em lao động năng nhọc, nhiều TE có nguy cơ bỏ học cũng được địa phương tạo điều kiện cắp sách đến trường. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng qua kết quả bước đầu thực hiện mô hình cho thấy, trẻ có HCĐB đã được quan tâm giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn