Tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn cần sự quan tâm của cộng đồng
Cập nhật ngày: 12/05/2020 06:05:01
ĐTO - Tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn (TV&KKTSKTKH) mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản mà còn cả thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Tuy nhiên, vấn đề này ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn bởi các bạn trẻ còn e ngại và chưa thật sự quan tâm.
Một buổi tuyên truyền về tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn cho học sinh, sinh viên
Bước sàng lọc tốt cho chất lượng dân số
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số (DS) - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, TV&KKTSKTKH là hoạt động tư vấn và khám kiểm tra sức khỏe cho các cặp nam, nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là với đối tượng vị thành niên, thanh niên để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị sớm một số bệnh có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau; chuẩn bị để có một cuộc sống tình dục thỏa mãn và an toàn nhất; dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau.
Khám sức khỏe trước khi kết hôn là một việc làm khoa học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua đó, các bạn trẻ không chỉ được hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của nhau mà còn có thể chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Ngoài ra, con cái sinh ra cũng hạn chế được những nguy cơ mắc bệnh, bị dị tật, khuyết tật, góp phần giảm bớt gánh nặng về DS cho xã hội, nâng cao chất lượng giống nòi.
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân có ý nghĩa quan trọng tới việc phát hiện bệnh di truyền qua khám tiền sản bởi đã có nhiều bệnh chuyển hóa của bệnh nhi bắt nguồn từ gen di truyền. Với những người mang gen này, việc khám sức khỏe sớm để phát hiện bệnh sẽ giúp người trong cuộc quyết định có nên lấy nhau hay không hoặc nếu lấy nhau thì sẽ chọn biện pháp mang thai thế nào cho phù hợp để tránh có những đứa con dị tật bẩm sinh. Có thể nói, việc TV&KKTSKTKH là một bước sàng lọc tốt cho chất lượng DS số nói chung.
Cần sự quan tâm của cộng đồng
Qua chia sẻ từ ngành DS các địa phương trong tỉnh cho thấy, đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn đều chưa quan tâm đến việc khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn. Theo họ, việc khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn là việc tự nguyện của mỗi cá nhân và hôn nhân gia đình chủ yếu dựa trên tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, rất nhiều cặp vợ chồng sau vài năm chung sống mới phát hiện ra người bạn đời của mình mắc một số bệnh lây truyền như nhiễm HIV, viêm gan B,... thậm chí là cả vấn đề vô sinh, khi đó mọi việc đã trở nên quá muộn. Làm gì để khắc phục tình trạng trên là vấn đề đặt ra đối với hệ thống làm công tác DS trong ngành y tế.
Trước thực trạng trên, ngay từ năm 2011, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thí điểm thực hiện mô hình TV&KKTSKTKH tại 13 xã thuộc 4 huyện điểm, đến năm 2013 duy trì và mở rộng thêm 12 xã, nâng tổng số địa bàn thực hiện mô hình lên 25 xã, thị trấn. Đến nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai xây dựng, thực hiện và thành lập 159 Câu lạc bộ TV&KKTSKTKH với 3.413 thành viên tham gia. Qua các câu lạc bộ này và đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, hàng năm, ngành DS toàn tỉnh tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức: vãng gia; nói chuyện chuyên đề; lồng ghép vào các cuộc họp tổ, hội; các phương tiện thông tin đại chúng loa, đài, báo;... cho hàng ngàn lượt người trong độ tuổi kết hôn về vấn đề TV&KKTSKTKH.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, việc TV&KKTSKTKH hiện nay ở các địa phương chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tư vấn. Việc khám kiểm tra sức khỏe tiền kết hôn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa sẵn sàng; các em ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói” với người khác nên khi sinh hoạt câu lạc bộ vẫn chưa trải lòng để hỏi những vấn đề thắc mắc, ngại đến trạm y tế để khám sức khỏe. Mặt khác công tác kết nối giữa tuyên truyền, vận động, khám tư vấn với điều trị tại các cơ sở y tế khi phát hiện tình trạng sức khỏe bệnh lý chưa được coi trọng. Thiếu sự hợp tác đồng bộ của chính quyền, cơ sở y tế, nhà trường và đoàn thể tại địa phương.
Với tình hình trên, ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh: Để công tác TV&KKTSKTKH triển khai có hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành DS, y tế, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì, sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám sức khỏe để phát huy hiệu quả tốt nhất cho tương lai của giống nòi Việt.
BÍCH LIỄU