Túi nilon và vấn đề ô nhiễm môi trường

Cập nhật ngày: 05/06/2018 06:27:13

ĐTO - Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon đã trở thành vật dụng đi sâu vào đời sống của nhiều người. Tuy nhiên, tác hại của túi nilon gây ra cho con người và môi trường sống là không nhỏ...


Rác thải nilon là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường khó kiểm soát

Nhà nhà, người người sử dụng túi nilon

Từ khi túi nilon xuất hiện trên thị trường đã góp phần không nhỏ trong quá trình giao thương, buôn bán hàng hóa. Cụ thể, với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng khắp nơi, từ người bán hàng rong cho đến các cửa hàng, siêu thị,... từ cửa hàng bình dân đến cửa hàng cao cấp đều sử dụng. Chị Nguyễn Thị Chi, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Rạch Chanh (xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi sử dụng cả trăm túi nilon để đựng đồ cho khách, nếu không có túi nilon thì không biết lấy gì để bán hàng. Giá thành túi nilon cũng khá rẻ nên khi đồ nặng mình bọc 2-3 túi nilon để khách hàng yên tâm khi vận chuyển”.

Chính vì vậy, hiện nay, cũng hiếm thấy người nội chợ nào mang giỏ xách vào chợ mà thay vào đó là những túi nilon với đủ kích cỡ (được cấp miễn phí từ người bán hàng) đựng hàng đem về. “Mỗi ngày mình sử dụng không dưới 10 túi nilon để bọc cá, thịt, rau, trái cây và các loại thực phẩm khác. Sử dụng một lần rồi mình vứt bỏ chứ đâu có sử dụng lại được” - chị Trương Thị Phượng, phường 4, TP.Cao Lãnh cho biết. Ngày nay, túi nilon được sử dụng rất nhiều để đóng gói thực phẩm, bột giặt, các loại chế phẩm hóa học hay đựng những phế liệu nhỏ, vì chúng rất bền, dẻo, mỏng, nhẹ và tiện sử dụng.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi nilon, thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Trong đó, mỗi hộ ở thành thị có thể sử dụng từ 3-6 túi nilon/ngày. Đây là con số rất lớn và liên tục tăng lên, bởi túi nilon chủ yếu được sử dụng một lần rồi thải ra môi trường và trở thành rác thải sinh hoạt.

Còn theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới, song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Và những hệ lụy khôn lường từ rác thải nilon

Không thể phủ nhận sự tiện ích của những chiếc túi nilon trong sinh hoạt, đời sống. Tuy nhiên, khi chúng ta xử lý túi nilon đã qua sử dụng không đúng cách, những túi nilon sẽ là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường, với hàng loạt hệ lụy khôn lường.

Ông Nguyễn Út Nhỏ - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, để phân hủy được túi nilon hoặc các phế thải làm từ nhựa cần tới hàng trăm năm. Có thể thấy rõ điều này khi kiểm tra các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác ở các hố chôn rác thì các loại phế thải khác đã phân hủy hết từ lâu, nhưng túi nilon thì vẫn trơ ra không hề suy giảm.

Với đặc tính khó phân hủy, nếu chúng ta vứt túi nilon xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Túi nilon nằm lẫn trong đất ruộng, vườn gây cản trở cho cây trồng trong việc hút nước, chất dinh dưỡng từ đất, cũng như việc cản trở hệ vi sinh vật đất hoạt động, dễ rửa trôi đất, gây bạc màu. Nếu đem đốt túi nilon và đồ làm từ nhựa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm hại tầng khí quyển.

Các nhà khoa học cũng cho biết, trong một số loại túi nilon có chứa lưu huỳnh (S), dầu hỏa, khi bị đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành a-xít sun-phu-rích và sau đó dễ gây ra mưa axít. Tệ hơn, khi túi nilon làm bằng nhựa PVC, có chứa Clo, khi cháy tạo ra chất đi-ô-xin vô cùng độc hại, gây ung thư đối với con người. Túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Những túi nilon tái chế chứa các kim loại nặng như chì, cadimi, sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Có thể thấy, nilon và rác thải nhựa là những nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thách thức nhân loại trong tương lai. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp của các ngành chức năng như: tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất và tái chế các loại túi thân thiện với môi trường, giáo dục tuyên truyền,... để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Mỗi chúng ta hãy tạo cho mình thói quen giảm bớt việc sử dụng túi nilon bằng cách thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần,... để bảo vệ môi trường sống của chính mình.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn