Ứng phó với bệnh sốt xuất huyết tăng

Cập nhật ngày: 12/10/2015 12:58:03

Vào cao điểm mùa mưa, tình hình mắc sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục tăng cao. Trong tháng 9/2015, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống SXH. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp, tính đến tuần 40 (từ đầu năm đến ngày 4/10), toàn tỉnh có 1.621 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2014.


Phun xịt hóa chất trên diện rộng, chủ động dập dịch sốt xuất huyết tại huyện Cao Lãnh

Từ đầu năm 2015 đến nay, SXH đã xảy ra tại 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Một số địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao gồm các huyện: Tam Nông, Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh, TP.Cao Lãnh. Nguyên nhân dẫn đến SXH do người dân còn rất chủ quan trong khâu diệt lăng quăng, diệt muỗi, vẫn còn tình trạng vật dụng vương vãi, nước ứ đọng tại khu vực xung quanh nhà; một số địa phương, ở khu trung tâm, cụm dân cư còn nhiều nền trống, các vật dụng không sử dụng, người dân để những vật dụng trở thành nơi cho muỗi sinh sôi; một số hộ dân thường chưng cắm hoa, sử dụng các vật dụng kê chân tủ tránh kiến, không được vệ sinh thường xuyên, trở thành nơi trú ẩn của muỗi gây bệnh.

Các địa phương có trường hợp mắc SXH cao gần đây gồm TP.Cao Lãnh (các ca bệnh tập trung nhiều tại: phường 6, Tịnh Thới, Mỹ Phú); huyện Tháp Mười (xã Mỹ Quý, Phú Điền); huyện Hồng Ngự (xã Long Khánh A, Thường Thới Tiền, Thường Phước 2); huyện Cao Lãnh (xã Phong Mỹ, Ba Sao, An Bình, Mỹ Long, Phương Trà, Bình Hàng Trung. Thực tế tại khu vực khóm 3, phường 2, TP.Cao Lãnh, phía sau những dãy nhà mặt tiền đường Lê Anh Xuân, một số người dân vẫn còn thói quen trữ nước trong lu để dùng trong sinh hoạt. Môi trường tại khu vực này còn ô nhiễm do hệ thống thoát nước bị ùn ứ dẫn đến tình trạng nước ứ đọng tiềm ẩn nguy cơ cho muỗi sinh sôi.

 Từ ngày 13/9 - 4/10, TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự, Tam Nông và Tháp Mười là những địa phương tiếp tục có ca mắc SXH cao. Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho thấy, chỉ trong 1 tuần (từ 28/9 - 4/10), huyện Cao Lãnh có 26 ca mắc bệnh SXH, TP.Cao Lãnh 25 ca, Tam Nông 18 ca, huyện Hồng Ngự 16 ca, Tháp Mười 15 ca.

Diễn biến phức tạp của dịch SXH từ đầu năm đến nay nằm trong dự đoán của Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Công tác chủ động phòng, chống dịch được Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện sớm, với mục đích giảm số ca mắc bệnh, ca tử vong. Thông qua mạng lưới cộng tác viên tuyến cơ sở, tuyến huyện, thị xã, thành phố, số ca mắc SXH được báo cáo, cập nhật mỗi ngày, mỗi tuần để phát hiện, xử lý sớm các ổ dịch, tránh nguy cơ dịch lây lan.

Ngoài tuyên truyền trực tiếp đến người dân, các đơn vị y tế đã ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao tại các hộ gia đình, khu vực dân cư. Đối với tuyến huyện, tỉnh cũng thực hiện việc giám sát lăng quăng sau các đợt phun xịt hóa chất; tuyệt đối tránh bỏ sót ổ dịch, chủ động dập dịch diện rộng.

Đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch SXH, người dân cần phối hợp tốt với ngành y tế trong việc vệ sinh các vật dụng trong nhà đúng cách để diệt muỗi gây bệnh; chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình, vận động hàng xóm không chủ quan với dịch bệnh, đến cơ sở y tế sớm khi có các dấu hiệu của bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời.

C.Phương

Từ ngày 27/9 - 4/10, đã phát hiện 18 ổ dịch SXH tại TP.Cao Lãnh, các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò. Các địa phương đã dập dịch, phun xịt hóa chất bán kính 200m tại phường 2, xã Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh); phường An Lộc (TX.Hồng Ngự); xã Hòa Bình, Phú Cường, Phú Thành A (huyện Tam Nông); xã Tân Quới, Bình Thành (huyện Thanh Bình); xã Mỹ Quý, Hưng Thạnh, Phú Điền (huyện Tháp Mười); xã Bình Thành, Bình Thạnh Trung (huyện Lấp Vò). Một số địa phương đã ra quân chiến dịch diệt lăng quăng, dập dịch trên diện rộng lần 2 tại các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự); phường An Lạc, xã Bình Thạnh (TX.Hồng Ngự); xã Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, (huyện Cao Lãnh).

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn