Vẫn còn nhiều trẻ em vất vả mưu sinh trong dịp hè
Cập nhật ngày: 13/06/2012 10:05:36
Mùa hè là dịp cho trẻ em vui chơi để “lấy khí thế” bước vào năm học mới. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn nhiều trẻ em phải vất vả mưu sinh để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống.
Ngồi trong quán cà phê khoảng 30 phút, chúng tôi được gần 10 người ghé mời mua vé số, trong đó có 3 trẻ em từ 7 đến 12 tuổi. Chúng tôi thấy động lòng nhất và phải mua vài tờ vé số là trường hợp của hai chị em Lê Thị Thu Ngân (8 tuổi) và Lê Quang Hiếu (7 tuổi) ở phường 3, thành phố Cao Lãnh. Do nhà nghèo và không có ai trông coi nên từ lúc 5 tuổi, Thu Ngân đã được mẹ dẫn theo bán vé số.
Chị em bé Thu Ngân và Quang Hiếu trên đường đi bán vé số
Lúc đầu bé Ngân được mẹ hướng dẫn cách mời khách, từ từ cháu thành thục cách mời. Thế là hè này, mới 8 tuổi nhưng Ngân đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề “bán vé số”, vì thế khi mời chúng tôi mua vé số, Thu Ngân và Quang Hiếu rất lanh lợi: “Chú mua vé số đi chú. Số này đẹp lắm, chú mua đi chiều trúng số” - Thu Ngân nói. Thấy chúng tôi nhìn sắp vé số của Thu Ngân có vẻ không vừa ý số nào, Quang Hiếu liền đưa cặp vé số của mình ra và nói: “Còn đây nữa nè chú. Mua dùm con đi, ế là chiều mẹ con la chết”. Chúng tôi mua vài tờ ủng hộ em.
Trong quá trình trò chuyện, tôi được biết, mặc dù còn nhỏ nhưng Thu Ngân và Quang Hiếu được mẹ giao mỗi ngày bán 100 tờ vé số, tiền lãi từ việc bán vé số của các em được mẹ giữ và cho lại vài ngàn ăn quà vặt, còn lại gom góp để mua sách vở cho hai em. Mùa tựu trường năm học 2012-2013, hai em sẽ bước vào học lớp 2 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Cao Lãnh).
Tình trạng trẻ em lao động kiếm tiền trong dịp hè cũng diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò, dạo quanh một số cơ sở làm đan lưới đánh bắt cá trên địa bàn các xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung (huyện Lai Vung), xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò) có gần 20 lao động trong độ tuổi trẻ em đang làm việc.
Theo một số chủ cơ sở, các em chủ yếu là người địa phương, thấy công việc phù hợp với lứa tuổi nên họ cho vào làm. Công việc của các em là dập chì vào các tay lưới, tiền công được tính theo sản phẩm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Tùy theo sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà mỗi em thu nhập từ 30 đến 50 ngàn đồng/ngày.
Trò chuyện với chúng tôi, em Phương đang làm việc cho một cơ sở đan lưới cá trên địa bàn xã Long Hậu nói: Em làm ở đây đã lâu rồi. Công việc cũng phù hợp nên làm kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Chỉ tay về phía các bạn, Phương cho hay: “Em năm nay 14 tuổi đã nghỉ học. Mấy đứa kia cũng 14-15 tuổi như em. Bọn nó có đứa còn đi học, có đứa nghỉ học”.
Tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành) có nhiều lò gạch ngói hoạt động cũng thu hút khá nhiều lao động trong độ tuổi 14-15 làm công đoạn vác gạch. Có em đã nghỉ học theo nghề, có em tranh thủ dịp hè để theo gia đình vào lò gạch vác gạch kiếm tiền mua sách vở, đóng tiền học phí cho năm học sau. Tuy công việc nặng nhọc nhưng có được thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày, do đó các em không ngại khó khăn.
Vào dịp hè, bên cạnh những trẻ em có hoàn cảnh khá giả được ba mẹ, gia đình chăm lo đi tham quan du lịch để thư giãn tinh thần thì vẫn còn khá nhiều trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn phải vất vả mưu sinh hoặc kiếm tiền phụ giúp cho gia đình. Tháng 6 là tháng “Hành động vì trẻ em” rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội để chăm lo cho trẻ em, nhất là các trẻ em đang chịu nhiều thiệt thòi có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguyễn Hà