Văn hóa ứng xử nơi công cộng - Đôi điều cần suy ngẫm
Cập nhật ngày: 14/08/2015 11:50:22
Khi địa phương đang nỗ lực xây dựng, quảng bá hình ảnh con người địa phương, trong xã hội lại có một bộ phận không nhỏ người dân chỉ biết làm cho mình nổi bật với vẻ ngoài cá tính, phong độ nhưng lại thiếu những kỹ năng ứng xử đúng mực trước mọi người, hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng, tự làm xấu đi hình ảnh của mình, ảnh hưởng đến hình ảnh con người địa phương.
Hàng ngày, đến những nơi công cộng như: bệnh viện, siêu thị, quán nước, công viên,... chúng ta không khó để tìm thấy những hành xử thiếu văn hóa như nói năng tục tĩu, ồn ào, nói chuyện điện thoại oang oang hoặc thể hiện tình cảm thái quá, chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng,... Thậm chí, nhiều người thiếu ý thức đến nỗi thực hiện những hành vi nghiêm cấm nơi công cộng ngay trước biển báo. Những hành vi phổ biến như: hút thuốc lá ngay tại biển báo cấm trên phà, trong bệnh viện hay vứt rác bừa bãi trong công viên trong khi công viên có lắp đặt rất nhiều thùng rác và phát thanh nhắc nhở liên tục.
Nhiều người mặc lịch sự nhưng tỉnh bơ vượt đèn đỏ hay bấm còi inh ỏi khi các xe phía trước đang dừng trước vạch dừng vì đèn đỏ; điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường ngược chiều gây cản trở giao thông;... Phản cảm hơn, nhiều người còn vứt rác, khạc nhổ khi tham gia giao thông, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến những người cùng tham gia giao thông. Thậm chí, khi có sự va quẹt khi tham gia giao thông thì cự cãi, thoái thác trách nhiệm, không cần biết người va quẹt có bị sao không,... Những hành vi phi văn hóa giao thông này diễn ra phổ biến ở cả nông thôn, thành thị; trong cả nông dân, công dân lao động và “xót xa” hơn khi có cả một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức.
Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần được mọi người coi trọng. Nó không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh, lịch sự mà thông qua đó còn góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh con người quê hương mình đến với bạn bè quốc tế. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa ý thức bản thân, sống có văn hóa, biết tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh. Song song đó, ngoài việc làm gương thì các bậc cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo cần phải giáo dục, hướng dẫn cách ứng xử phù hợp để các bạn trẻ có thói quen sống có văn hóa và văn minh, tôn trọng người khác. Bởi văn hóa ứng xử không thể đem ra cân, đong, đo, đếm và cũng không hẳn tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của con người. Nó chủ yếu là do trình độ nhận thức và sự quan tâm hướng dẫn, giáo dục của những người trong gia đình, nhà trường,...
BL