Về đầu nguồn vùng lũ

Cập nhật ngày: 16/09/2013 05:40:36

Mùa nước nổi hàng năm được xem là mùa làm ăn, sinh lợi của người dân nơi vùng lũ. Họ tất bật lo sắm sửa xuồng, câu, lưới... cho thời vụ làm ăn mới, kèm theo đó là việc chuẩn bị nơi ăn chốn ở trong những tháng nước lớn. Bà con vùng đầu nguồn luôn trong tâm thế sẵn sàng “đón”... lũ.


Sạt lở nghiêm trọng trong mùa lũ

“Đón”... lũ

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự) chứng kiến không khí mưu sinh của người dân vùng lũ.

Ấp 2 được xem là nơi có đông ngư dân sống bằng nghề câu lưới của xã Thường Phước 1. Không chỉ quanh năm gắn bó với nghề này, có nhà tới 2 - 3 thế hệ nối tiếp sinh sống bằng nghề sông nước.

Đa số dân trong ấp thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất. Những tháng mùa khô, bà con đi làm thuê ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... Vào mùa nước nổi lại về quê làm nghề bắt cá. Đến xóm câu lưới ở ấp 2, không khí mưu sinh mùa lũ thật tất bật, người vót tre làm cọc, người nứt hom, uốn vành, phụ nữ ngồi ken lưới, vá lưới.

Nghe bà con kể chuyện đánh bắt cá mùa lũ, “người khách lạ” như chúng tôi tò mò và muốn một lần được trải nghiệm thực tế. Mới hơn 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại ấp 2, xã Thường Phước 1 để anh ngư dân tên Hải đi đánh lưới. Tuy sáng sớm gió nhẹ nhưng những con sóng nhỏ cũng đôi lần làm chúng tôi “thót tim” bởi chiếc xuồng trở nên nhỏ bé trước biển nước. Hơn 20 phút chạy xuồng máy, chúng tôi đã tới khu vực đánh bắt cá. Đó là một cánh đồng nước mênh mông.

Trong tầm quan sát được, chúng tôi thấy có hàng chục chiếc xuồng, ghe đang hành nghề. Chọn được địa thế “ngon”, anh Hải bủa tay lưới dài 150m. Sau đó, anh cùng 3 người khác hì hụt kéo lên. Anh Hải cho biết: “Hôm nay “thất” rồi, chỉ có hơn 5kg cá/mẻ. Mấy bữa trước “cá chạy”, đánh mỗi mẻ lưới không dưới vài chục ký cá linh, cá éc...”. Anh Phạm Văn Sa, ngư dân đánh lưới gần đó cho hay: Anh chuyên đánh lưới, bán cá mồi cho những hộ nuôi cá. Nhìn chung năm nay cá về ít hơn những năm trước.

An dân

Nước lớn “chở” nhiều cá, tôm, phù sa... về. Tuy nhiên, ở đầu nguồn thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng... cứ mỗi bận lũ về lại có biết bao lo toan từ lãnh đạo địa phương đến từng người dân sinh sống nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó là việc chủ động chằng, chống nhà cửa để bảo vệ an toàn chỗ ở cho các hộ dân, gia cố đê bao, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, tổ chức dạy bơi cho trẻ, tổ chức các điểm giữ trẻ, củng cố các chốt, điểm tìm kiếm cứu nạn. Mùa lũ năm nay, thị xã Hồng Ngự thành lập 18 đội cứu nạn cứu hộ, mở 66 lớp dạy bơi, 34 nhóm giữ trẻ cộng đồng, 9 chốt cứu hộ xung yếu.

Xuyên qua vùng đầu nguồn lũ, chúng tôi còn chứng kiến bao nỗi lo của người dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm. Từ quốc lộ 30, xuống chiếc đò nhỏ qua các xã cù lao Tân Quới, Tân Long... (huyện Thanh Bình); rồi Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận, Long Khánh... (huyện Hồng Ngự)... đều là điểm nóng về tình trạng sạt lở. Từ xã Phú Thuận B đã thấy những bờ đất bị nước xoáy tạo thành nhiều hàm ếch sâu hoắm, lỏm chỏm... Con đường nhựa là trục lộ giao thông chính của xã chạy cặp theo sông Tiền mang đầy “thương tích”, nhiều đoạn đã bị trôi hoàn toàn xuống sông.

Ông Thái Văn Thoi (75 tuổi) ở ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, cho biết: “Cách đây mấy năm, từ con lộ ra tới mé sông Tiền khoảng 200m có đến 3 lớp nhà, vậy mà sạt lở cuốn đi hết. Mấy ngày qua, khi nước lũ về bị sạt lở nhiều hơn”. Anh Huỳnh Văn Lên ở ấp Phú Lợi B lo lắng: “Vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn tiền xây được căn nhà kiên cố nhưng sạt lở đã ăn sâu vào, cách nhà tôi chỉ hơn 1m. Không lâu nữa, nhà cửa, đất đai của tôi sẽ nằm dưới sông”.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, nhất là trong mùa lũ, nhiều hộ dân ở khu vực trên được Nhà nước tạo điều kiện di dời vào sống tại các cụm, tuyến dân cư. Bà con được hỗ trợ tiền di dời nhà, mua nền nhà trả chậm... Tuyến dân cư xã Phú Thuận B và Long Thuận được bố trí giải quyết chỗ ở cho hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực sạt lở.

Bác Bảy Pháp ở tuyến dân cư xã Long Thuận cho biết: “Nhà tôi bị lở hết xuống sông nhưng tôi không có tiền mua chỗ ở mới. Được hỗ trợ di dời vào ở trong tuyến dân cư, tôi rất phấn khởi và biết ơn”. Còn chú Ba Thưa ở tuyến dân cư xã Phú Thuận B cũng bày tỏ sự vui mừng khi được di dời khỏi vùng sạt lở, có chỗ ở ổn định, an tâm làm ăn.

Được biết, giai đoạn 1, toàn tỉnh đã xây xong trên 200 cụm tuyến dân cư, bố trí gần 37.000 hộ dân vào sinh sống ổn định; đang gấp rút hoàn thành giai đoạn 2 với 46 cụm, tuyến dân cư. Đến nay, các công trình hạ tầng thiết yếu của 46 cụm tuyến hoàn thành đạt tỉ lệ khá cao, đã xét duyệt bố trí nền nhà cho 10.800 hộ, trong đó đã vào ở hơn 6.000 hộ.

Theo nhiều người dân nơi đầu nguồn, năm nay bà con được “an cư”. Tuy nhiên việc kiếm sống trong mùa lũ thì gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm.

Và... mong mùa lũ “đẹp”

Trong ký ức của bao thế hệ người dân Đồng Tháp, mùa lũ là mùa làm ăn. Vậy mà giờ đây, hình ảnh ấy đang dần lùi vào quá khứ do lượng cá sụt giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của nhiều “lão ngư”, trong 10 năm qua, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên đã sụt giảm đến 50% nên việc kiếm sống của họ ngày càng khó khăn. Không chỉ có lượng cá trong tự nhiên đang ngày sụt giảm nghiêm trọng, mà nhiều sản vật từng giúp người nghèo như: bông súng, điên điển, rau muống đồng... cũng ít đi. Không chỉ bà con sống bằng nghề đánh bắt cá bị ảnh hưởng mà kéo theo nhiều nghề ăn theo khác. Anh Tịch, chủ tiệm bán dụng cụ đánh bắt cá Oanh (thị xã Hồng Ngự), cho biết: Năm nay rất ế ẩm dù giá các mặt hàng khá ổn định. Mới cuối tháng 7 (âm lịch) mà thị trường câu lưới gần như “đóng băng”, doanh thu của tiệm giảm tới khoảng 70%. Theo anh Tịch, có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ do năm nay cá ít, diện tích làm đê bao sản xuất lúa ba vụ nhiều.

Chị Lợi, chủ một tiệm bán dụng cụ bắt cá ở chợ thị xã Hồng Ngự cũng cho hay: Năm nay, số lượng hàng bán ra giảm khoảng 50% so với các năm trước.

Còn chú Nguyễn Văn Um (ở khóm 3, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) chuyên bán xuồng câu thì “ngồi chơi xơi nước” hơn 1 tuần qua vì không bán được chiếc xuồng nào. Chú Um cho biết: “Tôi bắt đầu bán xuồng từ tháng tư (âm lịch) nhưng có khi cả tuần lễ mà không bán được chiếc xuồng nào. Mấy tháng nay chỉ bán được hơn 60 chiếc. Năm nay, tôi nghĩ có nguy cơ bị lỗ vốn”. Nhiều hộ dân chuyên bán xuồng ở khóm An Thành (phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) cũng gặp khó khăn như chú Um.


Nhiều hộ dân làm nghề đan lọp cua ấp Bình Thành B,
xã Bình Thạnh vẫn chưa bán được hàng

Còn gần 80 hộ dân chuyên sống bằng nghề đan lọp cua ở ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự thì đang điêu đứng vì còn hàng ngàn chiếc lọp chưa tiêu thụ được. Cô Trần Thị Điền ở ấp Bình Thành B chia sẻ: Gia đình cô sống chủ yếu bằng nghề đặt và đan lọp cua. Mỗi năm gia đình cô sản xuất hơn 500 cái lọp. Nghề này chỉ trông chờ mấy tháng nước nổi, tuy nhiên năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa có người tới hỏi mua. Ông Bùi Văn Giáo - Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Bình Thành B cho biết: “Đa số người làm nghề đan lọp cua trong ấp đều thuộc hộ nghèo, không đất canh tác. Năm nay thị trường tiêu thụ lọp quá chậm, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn”. Nhiều người dân cho hay, do nước lên chưa cao và đất đặt lọp cua đang bị thu hẹp dần diện tích nên nhu cầu thị trường không nhiều.

Lũ lớn sẽ gây thiệt hại về người, tài sản, nhưng nếu nước về ít, ngoài việc nghèo cá tôm, bà con cũng lo phù sa vơi, vụ mùa năm sau dịch bệnh sẽ nhiều, đặc biệt là nạn sâu, chuột sẽ có cơ hội hoành hành. Bởi vậy, người dân đầu nguồn vùng lũ luôn mong có được những mùa “lũ đẹp” với sự bình yên, sung túc và an toàn.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn