Phóng sự:
Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy
Cập nhật ngày: 24/08/2016 09:32:17
Kỳ 1: Mekong - dòng sông đang “hấp hối”
ĐTO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 4 triệu hecta, nằm ở tận cùng của hạ lưu sông Mekong; là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho một phần của thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy vùng đất trù phú này đang lâm nguy bởi hệ thống thủy điện trên sông Mekong; biến đổi khí hậu và các bất cập trong việc “ứng xử” với đất đai - một thứ tài nguyên hữu hạn.
Sơ đồ các thủy điện sẽ được xây dựng ở thượng nguồn sông MêKông (Ảnh do nhóm nghiên cứu của tổ chức IUCN cung cấp)
Mekong được xem là một trong những dòng sông hùng vĩ và kỳ bí nhất thế giới. Ngoại trừ thượng nguồn phía Trung Quốc, lưu vực hạ nguồn được xem là biểu tượng cho sự xinh đẹp của nước Lào, đồng thời cũng là di sản văn hóa và nền văn minh của gần 100 dân tộc ở Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Tiến sĩ (TS) Dương Văn Ni - Chuyên gia môi trường sinh thái Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: “Thủy điện đã làm lượng phù sa mất tới 50%. Tương lai sẽ mất tới 75% và nhiều hơn thế. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ĐBSCL không còn được phù sa bồi đắp nữa mà diễn biến theo chiều ngược lại?”.
Nhiều nước đã phá bỏ đập thủy điện
TS. Đào Trọng Tứ cho biết, nhiều nước trên thế giới đang có xu thế phá bỏ đập thủy điện bởi ai cũng thấy những hậu quả ghê gớm của nó. Ở Mỹ, từ năm 1998 tốc độ phá bỏ đập lớn nhanh hơn tốc độ xây dựng, đến năm 2013 đã có hơn 1.000 đập bị phá bỏ. Năm 1998, Pháp cũng phá bỏ 2 con đập trên sông Loire để bảo vệ đàn cá hồi. Tại Nhật, ngay sau khi vừa thắng cử vào tháng 9/2009, Thủ tướng Yukio Hatoyama đã cho ngừng ngay 48 trong số 56 Dự án xây đập thủy điện, thủy lợi trên toàn nước Nhật. Trong số các dự án bị hủy bỏ, nổi bật nhất là đập Yamba có chi phí dự kiến lên đến 5 tỉ đô la Mỹ đang trong quá trình xây dựng. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam sau khi cân nhắc lợi ích và hậu quả đã ra nghị quyết loại bỏ 423 dự án thủy điện, chiếm tới 34,2% tổng số dự án.
|
|
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã và đang triển khai Dự án “Đối thoại Nước Mekong” (MWD) nhằm cải thiện an ninh sinh kế, sức khỏe của người dân và các hệ sinh thái ở khu vực Mekong. Tại Việt Nam, TS. Đào Trọng Tứ (chuyên gia trên lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (BĐKH)) trong quá trình tham gia dự án này đã đưa ra kết luận rất chua xót: “Sông Mekong sẽ là con sông chết theo đúng nghĩa đen của nó!”.
Ông Tứ giải thích, phần thượng nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc đã và sẽ xây dựng từ 15 - 25 con đập thủy điện lớn, biến toàn bộ khúc sông này thành hệ sinh thái hồ. Dòng chính sông Mekong ở hạ nguồn chảy qua 4 Quốc gia gồm: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam với hệ thống 11 đập thủy điện chắn ngang dòng sông sẽ biến 55% chiều dài dòng sông ở hạ lưu vực thành những đoạn sông chảy lững lờ, chẳng khác gì hồ.
Hậu quả không khắc phục được từ các đập thủy điện
Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Hữu Thiện là trưởng nhóm chuyên gia Việt Nam thực hiện công trình Đánh giá môi trường chiến lược 11 đập thủy điện dòng chính Mekong năm 2010 theo ủy nhiệm của Ủy hội Mekong quốc tế. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã thu thập đủ bằng chứng để kết luận rằng các đập thủy điện không chỉ tác động đến ĐBSCL mà bản thân các nước chủ nhà của các đập cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi lợi ích thu được không bao nhiêu.
Nhiều người nghĩ rằng thủy điện là năng lượng sạch, rẻ vì ít thải khí carbon hơn than và các nguồn năng lượng khác và sẽ không làm nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Eric Duchemin (chuyên gia tư vấn cho Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH - IPCC) cảnh báo: “Mọi người nghĩ rằng thủy điện sạch, nhưng không đúng như thế!”. Các nghiên cứu của IPCC cho thấy, hồ chứa thủy điện ở thượng lưu đập và đoạn sông ngay phía hạ lưu đập phát thải một lượng đáng kể khí CH4 và CO2 vào khí quyển. Còn TS Philip Fernside ở Viện Nghiên cứu Amazon quốc gia Brazil cho biết, ngoài CO2, thủy điện còn phát thải khí CH4 có nơi còn cao hơn các nhà máy phát điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch. “Chúng tôi biết rằng lượng phát thải khí CH4 và CO2 đủ để quan ngại” - ông Philip Fernside nói.
Như vậy rõ ràng các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ gây họa cho bầu khí quyển nước sở tại và toàn cầu. Thiệt hại này là vĩnh viễn và không bao giờ khắc phục được bằng tiền.
Tai họa cho ĐBSCL
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Mekong là dòng sông độc đáo vì lưu lượng mùa lũ gấp 30 lần lưu lượng mùa khô. Chính “nhịp thủy văn” hàng năm này hình thành nên sinh thái dòng sông và văn hóa của cư dân ở vùng này. “ĐBSCL được hình thành từ phù sa sông Mekong bồi đắp bền bỉ suốt 6.000 năm qua. Nếu không có sông Mekong thì đã không có ĐBSCL ngày nay. Ngoài ra, ĐBSCL còn là 1 trong 3 nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Đối phó với BĐKH đã chật vật rồi, nay có thêm thủy điện nữa càng khiến khó khăn thêm chồng chất. “Một khi các đập đã xây dựng, tác động của chúng là vĩnh viễn, không vãn hồi được và cũng không có biện pháp khắc phục”- ông Thiện nói.
Khai thác cát quá mức sẽ gây hậu quả khôn lường về môi trường và sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long
Theo báo cáo của Ủy hội Mekong Quốc tế, giai đoạn từ 1992-2014 lượng phù sa về ĐBSCL từ 160 triệu tấn/năm đã giảm còn 75 triệu tấn/năm. Nếu các đập thủy điện xây xong thì lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 42 triệu tấn, tức chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Một bi kịch nữa là sẽ không còn hạt cát, sỏi nào và 68-75% lượng phù sa lơ lửng sẽ không về tới ĐBSCL nữa. Trong khi đó chúng ta đang cấp phép khai thác cát sông quá nhiều. Nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt.
Cũng theo ông Thiện, phù sa từ sông Mekong còn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển vùng ĐBSCL. Phù sa chảy ra biển tạo thành lớp nước đục bao quanh bờ biển ĐBSCL. Đây là tấm “áo giáp” che chở cho bờ biển. Sóng từ biển khơi đập vào bờ khi đi ngang lớp nước đục, nặng phù sa này sẽ bớt hung hãn. Chính vì thế nên ĐBSCL có thể tồn tại trong mấy ngàn năm qua. Sau này khi thiếu phù sa, tấm áo giáp này sẽ trong hơn, mỏng hơn, không còn đủ sức che chở cho bờ biển. Ngoài ra, nguồn dinh dưỡng bám vào từng hạt phù sa sông mang ra cũng là nguồn dinh dưỡng cho thủy sản biển ĐBSCL với năng suất đánh bắt khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm. Nếu mất nguồn thủy sản này sẽ gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội.
Từ trước đến nay, ĐBSCL được xem là vùng đất đai màu mỡ, trù phú với cây lành, trái ngọt và vựa lúa đầy ắp. Sự màu mỡ của đất ở đây chính do phù sa sông Mekong mang lại. Nhưng hình ảnh này có thể không còn tồn tại khi phần lớn phù sa không về nữa. Phân bón sẽ không thể thay thế phù sa được. Bây giờ ít ai nhìn thấy đất đai ở ĐBSCL bị bạc màu, thoái hóa. Chỉ có các nhà khoa học thấy được điều này, nhưng nói chẳng ai tin. “Chừng 10-20 năm nữa thôi, mọi người sẽ nhìn thấy hậu quả khủng khiếp của việc đất đai thiếu phù sa bồi đắp. Dù có bón phân nhiều cỡ nào thì năng suất lúa vẫn giảm bởi đất đai đã bị chai cứng” - ông Thiện cảnh báo.
TS. Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cũng bày tỏ lo ngại: “Chúng ta lo ĐBSCL sẽ thiếu nước là sai lầm nghiêm trọng. Hậu quả của hệ thống thủy điện này là làm mất phù sa chứ không phải thiếu nước. Không còn phù sa, hậu quả khủng khiếp sẽ giáng xuống ĐBSCL”.
(còn tiếp)
Phú Thuận - Hoài Phong