Vươn lên khá giàu từ nghề đan lục bình

Cập nhật ngày: 22/09/2016 06:39:21

ĐTO - Nhờ cần cù, bám trụ nghề đan lục bình, từ một hộ nghèo thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống, gia đình cô Đỗ Thị Điệp và chú Phan Văn Một ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười đã dần cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu.

Gia đình chú Một được công nhận thoát nghèo cuối năm 2012. Năm 2014, với số tiền dành dụm của gia đình từ nghề đan lục bình kết hợp sự hỗ trợ vay vốn (40 triệu đồng) từ Hội Cựu chiến binh xã, gia đình chú Một đã cất ngôi nhà tường với tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Hiện tại, gia đình chú có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.


Nghề đan lục bình đã giúp gia đình chú Phan Văn Một vươn lên khá giả

Chú Một cho biết, trước đây, gia đình chỉ có 2 công đất nhưng đến 6 miệng ăn. Để có tiền lo cho các con ăn học, cô chú phải đi làm thuê, làm mướn thêm, vậy mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Căn nhà xiêu vẹo và dột nát cũng không có tiền để sửa. Đầu năm 2012, sau khi được xã vận động theo học lớp dạy nghề đan lục bình (do Trường Trung cấp nghề, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện phối hợp cơ sở mây, tre, lá Út Nương tổ chức dạy), vợ chồng chú đã đăng kí tham gia với mong muốn kiếm thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi. Vốn cần cù, chịu khó học hỏi, sau nửa tháng học nghề, vợ chồng chú Một đã được cơ sở Út Nương giao hàng về nhà gia công. Ban đầu thu nhập của vợ chồng chú chỉ khoảng 100 ngàn đồng/ngày, dần thạo nghề mỗi ngày thu nhập trên 200 ngàn đồng. Qua thời gian làm, thấy nhiều hộ dân trong ấp cũng tham gia, chú Một mạnh dạn tham mưu với chính quyền địa phương, Phòng LĐ,TB&XH huyện thành lập tổ hợp tác đan lục bình để tổ tự đứng ra liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm, cắt bớt giai đoạn thu mua sản phẩm qua trung gian. Giữa năm 2012, Tổ hợp tác đan lục bình ấp Hưng Lợi ra đời do cô Đỗ Thị Điệp (vợ chú Một) làm tổ trưởng và được xét vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Với vai trò tổ trưởng, cô Điệp đứng ra liên hệ với một số công ty chuyên làm đồ thủ công mỹ nghệ từ lục bình trong và ngoài tỉnh, nhận đơn hàng, lấy mẫu, khung, rồi đầu tư mua nguyên liệu giao cho các thành viên trong tổ đan gia công, sau đó cô chú đi thu gom sản phẩm giao cho công ty.

Nhờ sự nhiệt tình và tính kiên trì nên tổ hợp tác của cô chú ngày càng phát triển mạnh. Ngoài công việc thu gom sản phẩm, 5/6 thành viên trong gia đình chú Một đều tham gia đan lục bình, với thu nhập gần 400 ngàn đồng/ngày. Chú Một chia sẻ: “Nhờ nghề đan lục bình mà gia đình tôi thoát nghèo, trả hết nợ, cất được nhà kiên cố. Trước đây, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ gia đình có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Không chỉ đưa gia đình mình vươn lên khá giả với nghề đan lục bình, Tổ hợp tác đan lục bình ấp Hưng Lợi do vợ chồng chú Một khởi lập còn giúp nhiều gia đình trên địa bàn ấp ổn định cuộc sống. Hiện nay, Tổ hợp tác có trên 500 hộ tham gia, mỗi ngày thu gom và giao từ 200 - 400 sản phẩm cho Công ty Sao Mai và một số công ty ở các tỉnh khác. Tổ hợp tác nhận đủ các mẫu mã để lao động phát huy tay nghề như: đan thùng, mâm, sọt, bội tròn, bội vuông... mỗi loại mẫu mã có tiền công từ 12 ngàn - 60 ngàn đồng/cái. Thành viên chính và lao động làm cho tổ hợp tác ít nhất cũng kiếm được trên 50 ngàn đồng/ngày và cao nhất là khoảng 200 ngàn đồng/ngày”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn