Xã An Phú Thuận nỗ lực giảm nghèo
Cập nhật ngày: 26/06/2013 04:49:58
Nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của xã cùng với nỗ lực của từng gia đình, nhiều hộ nghèo xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành đã vươn lên thoát nghèo và có khả năng thoát nghèo.
Hộ anh Triều thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả
Với nghề rèn ổn định kết hợp làm ruộng vườn (2 công nhãn da bò, 3 công ruộng), kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Triều (SN 1968), có vợ và 2 con ở ấp An Thạnh tương đối khá, nhưng năm 2001 anh ngã bệnh nặng. Để điều trị bệnh trong hơn 4 năm, của cải gia đình anh đều bán sạch. Năm 2006, hộ anh thuộc diện hộ nghèo và được xét cho vay 3 triệu đồng, năm 2009 được vay 7 triệu đồng, năm 2011, được vay 10 triệu đồng thời hạn 2 năm.
Anh Triều cho biết, có vốn, gia đình anh đầu tư khôi phục nghề rèn và phấn đấu thoát nghèo. Nhờ biết làm nhiều dụng cụ như: leng, phảng, lưỡi hái, răng thùng suốt, lươi xới... và chú ý chất lượng, nên khách hàng ngày càng nhiều. Trừ chi phí, anh chị thu nhập bình quân 350.000 đồng - 400.000 đồng/ngày. Ngoài ra để kiếm thêm thu nhập, anh còn vựa tràm để bán cho những công trình xây dựng trong xã, những lúc rảnh rỗi, chị đan lục bình. Năm 2011, hộ anh được công nhận thoát nghèo.
Hộ anh Chung Văn Lâm (sinh 1976, nhà 4 người) ở ấp Phú Thuận là hộ nghèo. Gia đình chỉ có nửa công vườn, bên cạnh làm thợ hồ, 8 năm qua, anh còn nuôi lươn trong vèo (vèo 4m x 6m). Lấy công làm lời bằng cách bắt ốc làm thức ăn nuôi lươn, mỗi năm anh thu hoạch 2 lần với gần 100kg, thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Đầu năm 2013, hộ anh được xét cho vay 15 triệu đồng, cộng với tiền dành dụm và tiền hỗ trợ của cha mẹ, anh đã nuôi thêm 6 vèo lươn, cố 2 công ruộng.
Anh Lâm phát triển vèo nuôi lươn với quyết tâm thoát nghèo
Anh Chung cho biết, 7 vèo lươn mỗi ngày ăn 7kg ốc thịt nên gần đây anh nghỉ làm hồ để lo tìm thức ăn cho lươn. Hiện nay, lươn đang tiến triển tốt. Ngoài nuôi lươn, canh tác lúa 3 vụ/năm, hộ anh còn tận dụng ốc làm thức ăn nuôi vịt, cứ mỗi tháng xuất chuồng 10 con. Anh Chung nói: “Tôi đăng ký với xã năm nay phấn đấu thoát nghèo. Biết rằng được công nhận hộ nghèo là có lợi, nhưng vươn lên thoát nghèo vẫn tốt hơn”.
Đó là hai trong số hàng trăm hộ thoát nghèo thời gian qua và hàng chục hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo trong năm nay. Chỉ tính năm 2011, 2012, toàn xã có trên 200 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2012, giảm 128 hộ nghèo, đạt 4,5% hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu 0,7%; cuối năm 2012 chỉ còn 194 hộ nghèo (có cộng thêm 24 hộ nghèo phát sinh), chiếm 6,88% hộ toàn xã, đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo của xã nông thôn mới. Năm 2013, trên giao chỉ tiêu xã giảm 2,9% trên tổng số hộ nghèo, tương đương 66 hộ, nhưng đã có 87 hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo.
Đạt kết quả trên nhờ xã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp. Năm 2011 và 2012, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã tổ chức hội nghị hộ nghèo 7/7 ấp ghi nhận những yêu cầu, nguyện vọng hộ nghèo, sau đó phân loại hộ nghèo giao cho các hội đoàn thể là thành viên của Ban chỉ đạo giảm nghèo tiếp cận, tìm hiểu, xác minh nhằm có cách hỗ trợ đúng nguyện vọng, yêu cầu đối tượng. Chị Lâm Thị Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mỗi loại hộ nghèo, Ban chỉ đạo giảm nghèo có cách hỗ trợ riêng.
Chẳng hạn đối với hộ nghèo chí thú làm ăn mà thiếu vốn, tư liệu sản xuất nhưng xét thấy có mô hình làm ăn hiệu quả (như mô hình rèn của anh Triều hay mô hình nuôi lươn trong vèo, cố đất làm ruộng của anh Lâm) thì mạnh dạn xét đề nghị cho vay vốn cao, tạo điều kiện cho họ làm ăn thoát nghèo. Còn đối với hộ rượu chè, lười lao động Ban chỉ đạo phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể động viên, hướng dẫn cách làm ăn để họ vươn lên thoát nghèo...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giảm nghèo xã, đến cuối năm 2012, xã có tổng dư nợ với 876 hộ vay số tiền 6,337 tỷ đồng. Trong đó, hộ vay theo chương trình hộ nghèo 199 hộ với 847,5 triệu đồng; giải quyết việc làm 49 hộ với 588 triệu đồng; cất nhà theo Quyết định 167 là 43 hộ với 344 triệu đồng... Bên cạnh đó, xã còn phối hợp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, dạy nghề nông thôn để các hộ nghèo áp dụng vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Trong năm 2012, xã mở 21 lớp tập huấn bệnh chỗi rồng trên nhãn, kỹ thuật trồng đậu xanh, ủ nấm xanh, trị rầy nâu trên lúa, 2 cuộc hội thảo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trên 700 lượt người tham dự, trong đó có 96 hộ nghèo. Làng nghề đan thảm lục bình, 6 cơ sở lột hạt sen, cơ sở làm nhãn gỗ, lò sấy nhãn trong xã được duy trì ổn định giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 1.500 lao động, trong đó có 230 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Ngoài ra, xã còn vận động “Quỹ vì người nghèo xây dựng 28 căn nhà (kế hoạch 20 căn) cho hộ nghèo, bình quân mỗi căn 25 triệu đồng (trong đó, xã huyện hỗ trợ 13.750.000 đồng, số còn lại vận động dòng tộc) để họ ổn định nơi ở, vươn lên thoát nghèo.
C.Tiên