Xã Mỹ Tân - Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 20/05/2020 13:23:06

ĐTO - Với những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đời sống của người dân ở Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh đang dần cải thiện, khoảng cách giàu nghèo đang dần thu ngắn.


Vợ chồng anh Trần Văn Năm kéo màn phủ chuẩn bị xuống giống dưa leo cho vụ tới

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hàng năm, xã Mỹ Tân đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sau đó triển khai các chỉ tiêu xuống các ấp. Các ấp rà soát lập danh sách hộ nghèo và phân loại dựa trên nguyên nhân nghèo. Trên cơ sở đó, xã phân công từng đoàn thể trực tiếp phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo thuộc đoàn viên, hội viên mình, quản lý bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, phương thức làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở,... để họ có điều kiện phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, xã đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3.600 lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở các thành phố trong và ngoài tỉnh; đưa 35 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn cho hàng chục hộ nghèo với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng để họ chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục như: tặng thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi... đều được triển khai đồng bộ.

Gia đình anh Trần Văn Năm (ở ấp 4) trước đây là hộ nghèo của địa phương. Gia đình 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 1,5 công đất trồng lúa. Để trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học, vợ chồng anh phải đi làm thuê, vậy mà cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu. Năm 2016, được xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vợ chồng anh đã chuyển 1,5 công đất trồng lúa sang trồng dưa leo.

Với tinh thần chịu khó, chí thú làm ăn, sau gần 2 năm chuyển sang trồng rẫy, kinh tế gia đình anh Năm được cải thiện, vươn lên khá giả, vợ chồng anh đã tự nguyện xin thoát nghèo. Anh Năm cho biết: “Nếu trước đây, 1,5 công ruộng lãi khoảng 3 triệu đồng/mùa thì trồng dưa leo lãi khoảng 12 triệu đồng/mùa, mỗi năm tôi trồng được 3 mùa. Tiền lãi từ làm rẫy, vợ chồng tôi để dành, còn tiền sinh hoạt hàng ngày thì từ đi làm thuê thêm. Năm 2018, được xã hỗ trợ 30 triệu đồng để cất nhà, cộng với tiền dành dụm từ làm rẫy, vợ chồng tôi đã cất được ngôi nhà kiên cố trên 90 triệu đồng. Hai con tôi cũng được xã giới thiệu đi học nghề và được giảm học phí. Cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi mới được như ngày hôm nay”.

Với tinh thần chịu khó và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chú Phạm Văn Tám (ở ấp 3) cũng được công nhận thoát hộ cận nghèo năm 2017. Chú Tám cho biết, trước đây, gia đình chú thuộc diện cận nghèo, nhờ xã giới thiệu tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để thuê đất trồng lúa và hỗ trợ 30 triệu đồng để cất nhà, gia đình mới được an cư, yên tâm lao động, ổn định thu nhập. Trong ngôi nhà khang trang, chú Tám phấn khởi chia sẻ về hành trình vượt khó của mình: “Mới đầu, tôi thuê được 5 công đất, rồi làm tích lũy mỗi mùa thuê thêm vài công. Nhà cũng vậy, mới đầu thì cất đơn sơ khoảng 50 – 60 triệu đồng, rồi mỗi năm tu bổ thêm, khi thì đóng thêm la phong, làm thêm sân,... xong thì chuyển sang sắm sửa vật dụng gia đình như: bàn ghế, tivi, tủ lạnh,... Đến nay, gia đình tôi đang canh tác 30 công ruộng (5 công đat nhà, 25 công thuê), nhà cũng được tu bổ khang trang với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng”.

Với chủ trương đẩy mạnh phát tiển kinh tế song song với việc thực hiện tốt công tác giảm nghèo và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, thời gian qua, xã Mỹ Tân đã tập trung nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo và giảm nghèo theo hướng bền vững phù hợp với điều kiện và lợi thế của địa phương. Nếu như đầu năm 2016 (năm đầu tiên xét hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều), xã có 139 hộ nghèo, chiếm gần 4% thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 44 hộ nghèo, chiếm chưa đầy 1,1%.

Ông Lê Phú Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: “Tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, xã Mỹ Tân sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình để thực hiện giảm nghèo một cách bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn