Xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

Cập nhật ngày: 07/11/2022 10:47:51

ĐTO - UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố thực hiện các nội dung tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 47 ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Người đứng đầu cơ sở, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị phải xác định công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Công an tỉnh và đơn vị liên quan rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện để đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nhất là các quy định về nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà ở riêng lẻ chuyển hoàn toàn sang mục đích khác. Đồng thời rà soát, xây dựng, sửa chữa các trụ nước chữa cháy đảm bảo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện tốt đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành và dân phòng thực hiện tốt công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở.

Cùng với đó, xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng tham gia, nhằm chủ động về lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các biện pháp công tác, kịp thời xử lý các sự cố, tai nạn nghiêm trọng xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC; duy trì, nhân rộng các mô hình an toàn về PCCC như “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, đặc biệt là phát huy và nhân rộng “Đội hình SOS ứng cứu nhanh tai nạn giao thông, PCCC” tại các địa phương.

UBND huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn thuộc địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về điều kiện an toàn về PCCC và cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời chịu trách nhiệm nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn.

Song song đó, chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý; tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư và các cơ sở theo quy định. Quan tâm kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo phương châm “Bốn tại chỗ”, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc xử lý tình huống cháy, nổ, tai nạn ngay từ khi mới phát sinh.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn