Xài điện chập chờn vẫn phải đóng phí cao

Cập nhật ngày: 22/02/2013 06:22:03

Sử dụng điện chập chờn nhưng chi phí đóng tiền cao do mức hao hụt điện lớn, khiến cho hơn 20 hộ dân dọc theo Kênh K4 thuộc ấp 2, xã Láng Biển (huyện Tháp Mười) và ấp 2, xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười.


Điện yếu nên nhà anh Nguyễn Dũng Chinh phải mua cái tivi thứ 3 để sử dụng

Thấy người dân trong xóm có điện sử dụng thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt, vào tháng 7/2008, 24 hộ dân thuộc hai ấp trên thống nhất cử ông Phan Văn Chính đứng tên làm hợp đồng giao dịch với Chi nhánh Điện lực huyện Cao Lãnh kéo điện về sử dụng thông qua một đồng hồ tổng đặt ở đầu xóm. Với khoản đóng góp 2,2 triệu đồng/hộ cho chi phí mua đường dây chính và từ 300 - 500 ngàn đồng/hộ để mua dây diện dẫn vào nhà (tùy theo gần - xa) các hộ dân đã có điện sử dụng như bao gia đình khác.

Thời gian đầu nguồn điện mạnh, hệ thống dây dẫn còn tốt nên sau khi trừ khoản hao hụt điện năng, giá phải trả chỉ từ 2.300 đồng đến 3.000 đồng mỗi Kw, trung bình từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100 ngàn đồng/hộ. Sau một thời gian sử dụng, các hộ dân nơi đây phải dùng điện trong tình trạng chập chờn nhưng phải trả chi phí tiền điện ngày càng cao vì hệ thống dây dẫn điện đã xuống cấp làm thất thoát khá lớn lượng điện năng.

Chỉ sử dụng 1 ti vi 14 inch, 1 bóng đèn neon 1,2m và 1 quạt bàn nhưng hơn một năm qua anh Nguyễn Dũng Chinh ở ấp 2, xã Láng Biển phải trả trung bình khoảng 200 ngàn đồng/tháng cho khoảng chi phí tiền điện. Cũng như các hộ dân khác, do phải sử dụng điện chập chờn nên ti vi và bóng đèn nhà anh bị hỏng liên tục. Anh nói: “Điện xài không được nhưng đóng tiền thì ngày càng cao. Tháng 1/2013, tôi phải đóng hơn 268 ngàn đồng chi phí tiền điện”.

Ông Phan Văn Chính ở gần đó cho biết: “ Nhà tôi muốn bật môtơ lên bơm nước sử dụng phải canh lúc nửa đêm mới chạy được. Chỉ cái quạt, cái tivi và vài bóng đèn nhưng tháng rồi phải trả hơn 358 ngàn đồng. Tôi mong nơi đây sớm có điện lưới quốc gia sử dụng cho thoải mái, đời sống phát triển”.

Do sử dụng lâu ngày và quản lý kém, hầu hết các đồng hồ điện nơi đây không chạy nên khó xác định số Kw điện tiêu thụ thực tế của từng hộ. Để tính tiền điện hằng tháng cho từng nhà, các hộ dân nơi đây có “sáng kiến” căn cứ vào số tiền ghi trên hóa đơn tiền điện của điện lực và căn cứ vào số thiết bị điện tiêu thụ từng nhà nhiều hay ít mà áp dụng mức khoán trung bình 6 Kw điện/tháng/hộ, nếu nhà có nhiều thiết bị tiêu thụ điện sẽ 8 Kw, nhà ít 5 Kw, ít hơn 3 Kw. Với cách tính toán thiếu hợp lý như thế đã làm cho mỗi Kw điện năng tiêu thụ đội lên đến vài chục ngàn đồng.

Trong tháng 1/2013, dù thực tế mức giá áp dụng của ngành điện chỉ 1.607 đồng/1Kw (tính luôn 10% thuế giá trị gia tăng), tổng cộng các hộ dân trong đường dây tiêu thụ 3.174 Kw điện trong tháng, nhưng với cách tính vừa nêu, 1 Kw điện sử dụng mỗi hộ phải trả đến 44.800 đồng. Có thể nói đây là giá điện “cao kỷ lục” từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Bởi vì cách tính trên nên hộ của chị Ngưng ở ấp 2, xã Láng Biển chỉ sử dụng 3 Kw điện nhưng phải đóng 134 ngàn đồng, hộ chị Lê Thị Thu sử dụng 5 Kw đóng 224 ngàn đồng, còn hộ của ông Phan Văn Chính sử dụng 8 Kw đóng 358.400 đồng. Chi phí tiền điện cao nhưng sử dụng không đạt yêu cầu nên nhiều hộ dân nơi cho biết sẽ ngừng sử dụng điện.

Ông Đỗ Thành Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có 80% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, số còn lại chưa sử dụng tập trung ở ấp 2, nhất là các hộ như phản ánh. Do đó là địa bàn nông thôn xa trung tâm xã nên ngành điện chưa kéo điện về được. Trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân, chúng tôi cũng đã kiến nghị với huyện nhiều lần. Được biết, kế hoạch của huyện trong thời gian tới sẽ kéo điện về cho người dân sử dụng. Còn giá điện mỗi Kw đội lên như thế là do cách tính toán thiếu hợp lý của người dân.”

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn