Xây dựng nông thôn mới là động lực phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống dân trí

Cập nhật ngày: 01/04/2016 13:21:05

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015 trở thành cuộc vận động lớn, đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tập trung toàn lực tác động thường xuyên, liên tục đi vào chiều sâu và được người dân đồng tình hưởng ứng; được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực.


Nhiều tuyến đường nông thôn được đầu tư

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về XDNTM. Nhiều mô hình hay phát động đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng cao từ người dân và cộng đồng đóng góp: tiền mặt, hiến đất, ngày công lao động, hiện vật, tài sản để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, thủy lợi, thắp sáng đường quê, chăm lo xóa nhà tạm bợ,... Bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình từ tỉnh đến xã và Ban phát triển nông thôn ấp được thành lập đầy đủ, thường xuyên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động; áp dụng Quy chế thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo niềm tin, động lực giữa chính quyền và nhân dân. Qua đó tạo nền tảng cho công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình các cấp theo đúng chủ trương chung, mang lại kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Một số mô hình điển hình đã mang lại hiệu quả như: mô hình cánh đồng liên kết, trồng xoài đạt chuẩn VietGAP, trồng ớt, trồng dưa lê, đậu bắp Nhật,...; tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đã có trên 50 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 150 tổ hợp tác được thành lập mới. Hoạt động của các HTX không ngừng mở rộng loại hình dịch vụ, có đến 40% số HTX hoạt động đa dịch vụ; 58 HTX chuyển đổi thành công theo Luật HTX 2012. Kết quả số HTX được đánh giá hoạt động có hiệu quả chiếm 85%, Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả chiếm 66%; công tác tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh; đặc biệt tăng cường đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất với 100% diện tích sản xuất, 90% diện tích sản xuất chủ động bơm tưới, 70% sử dụng công cụ sạ hàng, 50% phun xịt bằng máy, 90% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Tỉnh thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên đào tạo nghề, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, cung cấp nước sạch và chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhờ vậy, mức sống của người dân nông thôn đều tăng qua các năm. Cuối năm 2015, thu nhập bình quân vùng nông thôn là 29,065 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 3 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,04% (giảm trên 9% so với năm 2011); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5%; tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 64%. Cuối 2015, hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 88,15% (vượt 3,15% so với kế hoạch); 93,7% ấp đạt chuẩn văn hóa (550/587 ấp); môi trường nông thôn có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh kể cả lắng lọc đạt 98%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62,5% (tăng 1,63 lần so với năm 2011); nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, cuối năm 2015, có 68/119 xã hoàn thành nhóm tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, có 75 xã đạt tiêu chí Hệ thống tổ chức chính trị xã hội, tăng 45 xã so với đầu năm và 114 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự xã hội (tăng 17 xã so với đầu năm).

Công tác huy động sử dụng nguồn lực, lũy kế vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM từ 2010 - 2015 là 33.570 tỷ 985 triệu đồng, trong đó, vốn tín dụng 27.265 tỷ 668 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 519.379 triệu đồng; đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác 718.430 triệu đồng. Còn lại là các nguồn vốn trực tiếp cho chương trình, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, Trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương và địa phương.

Nhìn chung, kết quả phấn khởi trên xuất phát từ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo XDNTM, đã làm chuyển biến nhận thức của người dân nhận diện được quyền lợi thiết thân, tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra diện mạo mới trong đời sống xã hội, nâng cao dân trí.

Kết quả thực hiện bộ tiêu chí XDNTM của tỉnh đến nay đã có 27 xã đạt 19/19 tiêu chí; 15 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 72 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 12 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí. Không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Trần Thắng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn