Ý nghĩa của Ngày Dân số Việt Nam
Cập nhật ngày: 21/12/2022 09:46:53
ĐTO - Nhân kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022, chúng ta hãy ngược dòng thời gian 61 năm về trước, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn khó khăn nhất, Hội đồng Chính phủ nước ta đã thông qua một Quyết định đặc biệt đó là Quyết định số 216 ngày 26/12/1961 về việc hướng dẫn sinh đẻ cho Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Quyết định 216 xuất phát từ thực tế về sự tăng dân số quá nhanh do thiếu hướng dẫn, gây nên cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con được chu đáo. Các giải pháp và các bước triển khai thích hợp nhằm thực hiện đạt các mục tiêu cũng được nêu rõ, đặc biệt là việc huy động các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương phối hợp, có sự phân công thống nhất hành động, thực hiện xã hội hóa công tác hướng dẫn sinh đẻ và tập trung chú trọng công tác vận động, tuyên truyền của các đoàn thể, quần chúng kết hợp với cung cấp dịch vụ thực hiện sinh đẻ có hướng dẫn một cách dễ dàng, thuận lợi và an toàn.
Sau Quyết định 216, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách dân số để hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt là Nghị quyết 4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa 7), Chỉ thị 50 của Ban Bí thư, Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và triển khai thực hiện các Chiến lược Dân số - KHHGĐ đến năm 2000; Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mới đây là Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình mới; Quyết định 1679 ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Từng ngành, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách dân số, dần dần hoàn thiện hơn và được triển khai thực hiện đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Đã 61 năm trôi qua, văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách dân số ở Việt Nam vẫn có ý nghĩa to lớn, mang đậm tính nhân văn và làm cơ sở định hướng cho các chính sách Dân số-KHHGĐ. Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, toàn Đảng, toàn dân tổ chức các hoạt động, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác Dân số-KHHGĐ. Đồng thời để khẳng định với quốc tế rằng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm đến công tác dân số, đã sớm nhận thức, cũng như sớm triển khai thực hiện công tác này.
Theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia Dân số - KHHGĐ Việt Nam sau hợp nhất thành Ủy ban Dân số gia đình trẻ em và nay là Tổng cục Dân số- KHHGĐ Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326 ngày 19/5/1997 lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.
LÊ HÙNG