Cầu mây - hướng đầu tư mới của thể thao Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 18/03/2015 13:36:31
Trước sự phát triển mạnh của môn cầu mây trong thời gian gần đây, ngành thể thao Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư nhằm mang về thành tích cho thể thao tỉnh nhà. Đây cũng được xem là một trong những môn thể thao trọng điểm trong việc tập trung cho phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
Đội cầu mây Đồng Tháp trong lần thi đấu tập huấn với Cần Thơ
Cầu mây là một môn thể thao có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Khác biệt đôi chút với đá cầu chinh, cầu mây sử dụng loại cầu làm bằng cây mây và cho phép cầu thủ có thể sử dụng các bộ phận trên cơ thể như chân, đầu gối, ngực và đầu để chạm bóng. Do có xuất xứ từ Đông Nam Á nên môn thể thao này được ưa chuộng rất nhiều tại các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, trong đó Thái Lan được xem là quốc gia rất mạnh ở bộ môn cầu mây tại các đại hội thể thao.
Tại Việt Nam, cầu mây phát triển mạnh ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang và Sóc Trăng. Đây là những địa phương có truyền thống lâu đời ở môn thi đấu này và thường giành được các thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước, đồng thời “sản sinh” ra rất nhiều chân cầu nổi tiếng góp mặt vào thành phần của đội tuyển Việt Nam thi đấu tại các kỳ Asiad hay Asian Indoor Game như: Lưu Thị Thanh hay Nguyễn Thị Hải Thảo.
Hòa chung vào xu thế phát triển của bộ môn cầu mây, hơn 1 năm qua, đội tuyển cầu mây nữ Đồng Tháp đã được thành lập với các thành viên chủ yếu là ở độ tuổi từ 13 đến 15. “Các em đã qua quá trình sàng lọc tuyển chọn của Ban huấn luyện đội tuyển cầu mây nữ Đồng Tháp. Do thời gian thành lập đội chưa lâu nên hầu hết các em đều đang trong quá trình hoàn thiện những kỹ năng như tâng cầu hay đỡ cầu” - HLV Phan Minh Triết, Đội cầu mây nữ Đồng Tháp cho biết.
Ngoài các vận động viên (VĐV) trẻ được tuyển chọn, đội cầu mây nữ Đồng Tháp còn có sự góp mặt của các VĐV từng tham gia tập luyện ở bộ môn cầu chinh chuyển qua như Đặng Thị Thu Hà hay Lê Thị Cẩm Tiên. Hiện tại, đội cầu mây nữ có 10 VĐV. Tập luyện hơn 1 năm qua nhưng đội tuyển cầu mây nữ Đồng Tháp vẫn chưa tham dự giải thi đấu chính thức nào của Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là việc tiếp cận của các em với bộ môn này còn gặp rất nhiều hạn chế. Hầu hết các em vẫn còn lúng túng trong các pha xử lý và cần được Ban huấn luyện chỉnh sửa rất nhiều để hoàn thiện hơn. Cầu mây và cầu chinh có nhiều nét tương đồng từ phòng thủ đến những phương án tấn công. Tuy nhiên, nếu như ở đá cầu chinh VĐV có thể dễ dàng tiếp xúc với trái cầu bởi quỹ đạo bay của cầu không quá khó, thì ở môn cầu mây đòi hỏi VĐV phải có độ chính xác cao để tiếp xúc tốt với trái cầu, đồng thời các động tác phải nhẹ nhàng và uyển chuyển để cầu không văng ra xa.
Đội tuyển cầu mây nữ Đồng Tháp hiện tập trung chủ yếu ở 2 nội dung thi đấu, là đôi nữ và bộ ba nữ, đặc biệt là bộ 3 nữ. Khác so với đá cầu chinh, ở môn cầu mây nội dung bộ 3, việc tập luyện cho VĐV phát cầu đóng vai trò rất quan trọng bởi chính những pha phát cầu chuẩn và uy lực luôn được xem là những pha tấn công ngay từ ban đầu gây khó khăn cho đối thủ. Hiểu được điều đó nên HLV Phan Minh Triết luôn hướng dẫn cặn kẽ và yêu cầu các học trò luyện tập thường xuyên những pha phát cầu sao cho chính xác và mạnh.
Được biết, trong năm 2015, đội cầu mây nữ Đồng Tháp sẽ tham dự những giải thi đấu đầu tiên như giải Đại hội Thể dục thể thao đồng bằng sông Cửu Long, hay giải trẻ cầu mây ở Vĩnh Long và một số giải cúp. Đó là những giải đấu mà thầy và trò HLV Phan Minh Triết không đặt nặng thành tích mà cốt lõi là giúp các em có được những trải nghiệm ở những sân chơi lớn.
P.L-Lê Vinh