Cần có hướng dẫn thống nhất về xác định thành viên hộ gia đình sử dụng đất

Cập nhật ngày: 27/08/2014 13:25:44

Thời gian qua, nhiều trường hợp người dân khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) hộ gặp không ít khó khăn, vướng mắc do cách hiểu về quy định hộ của cán bộ các địa phương không thống nhất.


Việc xác định thành viên hộ của các địa phương không giống nhau

Ông Lê Văn Phê (ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) khi đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị trấn Thanh Bình thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ hộ do ông đứng tên, thì được yêu cầu phải có đủ tất cả các con ông ký tên mới tiếp nhận hồ sơ để thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ. Theo ông Phê, ông không thống nhất với yêu cầu trên vì các con, cháu có tên trong hộ khẩu của ông từ 15 tuổi trở lên đều đã ký tên, chỉ còn người con gái tên Lê Thị Bé Ba đã có chồng, có hộ khẩu riêng trước khi ông mua phần đất trên vào những năm 1990 và hiện đang làm việc tại tỉnh Bình Dương nên không thuận tiện về ký tên.

Theo cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị trấn Thanh Bình, căn cứ quy định Điều 108 và Điều 109, Bộ luật Dân sự năm 2005 nên đã yêu cầu phải có đủ các con của ông Lê Văn Phê ký tên thì mới tiếp nhận hồ sơ. Theo Bộ luật Dân sự, tại Điều 108 quy định về tài sản chung của hộ gia đình, còn Điều 109 thì có quy định việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. Đây là cách hiểu hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, còn cách của gia đình ông Phê thì hộ gia đình là những người có tên trong sổ hộ khẩu do ông đứng tên chủ hộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thực tế khi thực hiện chứng thực hay công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của hộ, các địa phương xác định hộ không giống nhau. Có địa phương căn cứ vào sổ hộ khẩu để tính những người có tên trong hộ khẩu từ đủ 15 tuổi trở lên phải đồng ý ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng, có địa phương lại áp dụng hộ là hộ gia đình, nên tất cả các con dù ở chung hay ở riêng, có tên hay không có tên trong sổ hộ khẩu đều phải đồng ý, ký tên trong hợp đồng.

Theo ông Lê Hùng Anh - Trưởng Phòng Công chứng số 1, khái niệm hộ các cơ quan chức năng hiểu không thống nhất nhau vì không có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này, nên mạnh ai nấy làm theo cách hiểu của mình. Đối với phòng công chứng thì căn cứ theo sổ hộ khẩu gia đình nếu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên thống nhất ký tên thì thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng đó.

Tuy nhiên, yêu cầu phải có đủ các con (dù người con đó không có tên trong sổ hộ khẩu) phải ký tên đồng ý thì mới chứng thực hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình cũng không sai. Vì đó là theo cách hiểu hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Vì vậy, vấn đề này cần có văn bản hướng dẫn của Trung ương để thực hiện thống nhất, ông Lê Hùng Anh cho biết thêm.

Như vậy, trở lại trường hợp của ông Lê Văn Phê, nếu ông sống trên địa bàn có phòng công chứng thì hồ sơ của ông đã hợp lệ để được công chứng hợp đồng. Vừa qua, để thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ, ông Phê đã phải kêu người con gái từ Bình Dương về ký tên để được tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục chuyển nhượng.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, tại Điều 3, Khoản 29 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có QSDĐ chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ. Theo khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như trên thì cơ quan chức năng khi thực hiện chứng thực hay công chứng hợp đồng chuyển QSDĐ hộ gia đình sẽ căn cứ vào đâu để xác định các vấn đề như đang sống chung là có họ tên trong sổ hộ khẩu chung hay xác định như thế nào? Quy định có QSDĐ chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ, nhận chuyển QSDĐ là căn cứ vào thời điểm hộ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, hay quyết định giao đất, cho thuê đất... Đây là những vấn đề vướng mắc nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Thiết nghĩ, để tránh việc người dân bức xúc vì các cơ quan chức năng áp dụng không thống nhất việc xác định thành viên của hộ gia đình sử dụng đất, thì cơ quan thẩm quyền trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn