Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri về ứng phó tình hình biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 11/09/2020 10:08:56

ĐTO - Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri trong tỉnh có ý kiến bày tỏ lo lắng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cử tri kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư hệ thống đê, kè bảo vệ tích trữ nguồn nước ngọt, giúp vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng phó có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời kiến nghị trên như sau: Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng như tác động của phát triển thiếu bền vững tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông và nội tại vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và hạn hán xâm nhập mặn đã, đang diễn biến rất phức tạp, có xu thế ngày càng gia tăng, uy hiếp nghiêm trọng đến ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để củng cố, nâng cao hệ thống đê, xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và công trình ngăn mặn, giữ ngọt, hỗ trợ tích trữ nguồn nước ngọt. Cụ thể, trong vòng 10 năm gần đây (từ năm 2011 đến nay), Trung ương đã hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL 23.922 tỷ đồng từ các nguồn vốn để củng cố, nâng cấp hệ thống đê, xây dựng kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó từ năm 2018 đến nay đã hỗ trợ 7.149 tỷ đồng.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 4310 ngày 26/6/2020 tham gia ý kiến đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) không có nhu cầu sử dụng của WB để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển các tỉnh vùng ĐBSCL.

Về tích trữ nguồn nước ngọt, nhiều dự án ngăn mặn, giữ ngọt đã được triển khai và hoàn thành; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn như: nạo vét kênh mương, đắp đập tạm, đào ao, giếng trữ nước ngọt, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt... Qua đó đã giảm đáng kể số hộ thiếu nước sinh hoạt và diện tích lúa bị thiệt hại trong mùa khô 2019-2020.

Việc tiếp tục bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và công trình tích trữ nguồn nước ngọt phòng, chống hạn hán xâm nhập mặn là cần thiết. Bộ NN&PTNT đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tập trung thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 417 ngày 13/4/2019 về việc ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 ngày 17/11/ 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu...

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn