Chung tay nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam

Cập nhật ngày: 20/06/2017 12:55:24

ĐTO - Tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, với cơ quan ngôn luận là báo Thanh Niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925.

Mặc dù chỉ được viết bằng bút thép trên giấy sáp, in bằng bàn in tay, khổ cỡ tờ giấy tập học sinh, từ 2 - 4 trang, mỗi kỳ hơn 100 bản trong hoàn cảnh bí mật và chỉ xuất bản đến cuối năm 1929, nhưng báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên và khơi nguồn truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam thông qua việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; nói lên ý chí, khát vọng, chỉ ra phương hướng đấu tranh để dân tộc thoát khỏi áp bức bất công, xích xiềng nô lệ, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.


Báo "Thanh niên" số ra ngày 3/10/1926. Nguồn: Internet

Với vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng của báo Thanh Niên, Trung ương Đảng ta quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm làm “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

Hơn 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển vượt bậc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Ứng dụng công nghệ thông tin, báo chí ngày nay có sự đổi mới mạnh mẽ về hình thức; nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội; thông tin đưa đến người đọc, người nghe nhanh chóng, dễ dàng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, bên cạnh những tờ báo chính thống, được cấp phép cùng với đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp với tin, bài có chất lượng, độ tin cậy cao, mang tính định hướng dư luận thì còn có các trang mạng xã hội với đông đảo “nhà báo” không chuyên. Các trang mạng trở thành diễn đàn để mọi người có thể bày tỏ chính kiến đối với vụ việc nào đó. Thông qua các trang mạng, thông tin được đưa đến người đọc gần như đồng thời với sự kiện, lan truyền nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu,... nhưng không phải thông tin nào cũng khách quan, chính xác.

“Rất khó kiểm chứng” là đánh giá về tính 2 mặt của thông tin trên các trang mạng xã hội. Trong khi đó, giữa cơn bão thông tin đa chiều được cung cấp bởi hàng trăm phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có các trang mạng, một bộ phận không nhỏ người đọc do thiếu kiến thức nền, thiếu bản lĩnh, không kiểm chứng nên dễ bị nhiễu loạn thông tin, bị chi phối, tin theo, vô tình hoặc cố ý tiếp tục lan truyền những thông tin bịa đặt, bị nhào nặn, xuyên tạc.

Phát huy truyền thống, xứng đáng với vai trò, vị trí và niềm tin của xã hội đối với báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên tiếp tục thực hiện nghiêm túc tôn chỉ, mục đích, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người làm báo; nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, nhạy bén, không chỉ cung cấp thông tin đúng, trúng, kịp thời mà còn đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, tạo dư luận xấu, gây bất ổn xã hội, để mỗi phóng viên thật sự trở thành người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Người đọc bình tĩnh, chọn lọc, xử lý thông tin khi tiếp cận, chú trọng kiểm chứng thông tin từ các nguồn khác trước khi lan truyền; phản hồi, góp ý, đấu tranh với những tin bài kém chất lượng, không trung thực, khách quan, qua đó góp phần không ngừng nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn