Công tác tuyên giáo trong thời Covid-19

Cập nhật ngày: 30/07/2021 09:25:47

ĐTO - Dịch bệnh Covid-19 khởi phát đầu tiên ở Vũ Hán - Trung Quốc vào cuối năm 2019. Sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp do biến thể của nó. Nước ta - đến nay đã có bốn đợt dịch xâm nhập và đợt thứ tư này diễn biến phức tạp nhất, mạnh nhất, nhanh nhất từ trước đến nay, do vi-rút biến thể chủng Delta.

Dịch bệnh đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế - xã hội bị thiệt hại, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, đời sống người dân bị ảnh hưởng, hoạt động của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị, trong đó ngành tuyên giáo cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, cả xã hội cần phải thích nghi, thay đổi để chung sống với đại dịch Covid-19.

Đây là khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành tuyên giáo thay đổi, đổi mới trong hoạt động, nhất là thực hiện chủ trương chuyển đổi số, ngành tuyên giáo ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các mặt công tác. Hội, họp bằng hình thức trực tuyến, thông tin, tuyên truyền, ngoài các kênh thông tin đã thực hiện, còn khai thác tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, thư điện tử, mạng xã hội,... Việc trao đổi thông tin, chỉ đạo, định hướng,... cũng thực hiện tương tự. Việc nắm dư luận xã hội, ngoài nắm tình hình thực tế trong đời sống xã hội, mạng xã hội cũng là một kênh quan trọng. Công tác đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xấu, độc, xuyên tạc trên mạng xã hội, Internet ngày càng hiệu quả. Qua những cách làm trên, công tác tuyên giáo vẫn duy trì hoạt động và có những hoạt động nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hơn.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã xâm nhập vào nước ta mạnh mẽ, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Số trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ngày càng nhiều, diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình trên, tỉnh đã áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh nhà đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm phòng, chống đại dịch; các nguồn lực được huy động; công tác điều trị bệnh có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thông tin, tuyên truyền được hệ thống tuyên giáo, các ngành, các cấp, cơ quan truyền thông thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngành tuyên giáo cùng với các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trước hết, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng, thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức, tính chấp hành của cán bộ, đảng viên và người dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bằng nhiều hình thức phù hợp, an toàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chú trọng tuyên truyền đến từng khu dân cư, khu phong tỏa, khu cách ly, khu thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng,... về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Hệ thống tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp, các ngành thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, những thông tin sai trái, xuyên tạc, hành động chống phá gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác có hiệu quả. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, giới thiệu những nhân tố tích cực, những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời thông tin, phản ánh những hành vi vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã xử lý để giáo dục, răn đe.

Bên cạnh việc tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành tuyên giáo tỉnh nhà sẽ đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021.

LÊ THỊ KIM LOAN

(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn