Dấu ấn vùng đất, con người Đồng Tháp - Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 03/02/2021 09:03:30

ĐTO - Từ khi có Đảng đến nay, người dân Đồng Tháp luôn một lòng đi theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân Đồng Tháp ngày được nâng cao. Qua đó làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã càng đẹp hơn, nhất là tạo được ấn tượng trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.


Tượng đài nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thuộc địa bàn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung

Các chi bộ Đảng ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, từ năm 1924 đến năm 1926, phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân Đồng Tháp lên khá cao. Những sự kiện chính trị diễn ra trong thời kỳ này đã thức tỉnh và khơi dậy lòng yêu nước của Nhân dân Đồng Tháp, nhất là lứa tuổi thanh niên. Cuối năm 1927, bốn hạt giống đỏ đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (TNCMĐCH) cho trở về nước hoạt động, chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Phát phụ trách tiểu tổ trưởng và phân công về hoạt động ở Sa Đéc. Đến cuối năm 1928, tổ chức Hội phát triển. Chẳng hạn, Tổ Cao Lãnh có 7 hội viên gồm: Tư Lầu (Phạm Hữu Lầu), Tư Ý, Ba Mảng, Giáo Sa, Giáo Cảnh, Giái và nữ đồng chí Tám Ngài (Nguyễn Thị Lựu). Nhìn chung, từ khi có TNCMĐCH (1928 – 1929), phong trào yêu nước của Nhân dân các khu vực thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có bước phát triển mới, là thời kỳ giao điểm giữa chủ nghĩa yêu nước theo con đường cách mạng mới, là thời kỳ chuẩn bị cơ sở chính trị, tư tưởng, tổ chức để tiến tới thành lập tổ chức đảng cách mạng ở tỉnh nhà.

Tháng 9/1929, một sự kiện chính trị làm nức lòng hội viên TNCMĐCH tỉnh Đồng Tháp – An Nam Cộng sản Đảng chính thức thành lập. Trước khi tuyên bố thành lập, ban trù bị đã chỉ thị cho các tỉnh bộ phải chuẩn bị tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập đảng bộ địa phương. Khoảng tháng 11/1929, đồng chí Phạm Hữu Lầu được kết nạp vào Đảng thì Tổ TNCMĐCH Hòa An được công nhận là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng có 6 đồng chí. Lễ công nhận được tổ chức tại vườn Mù U (làng Hòa An – nay thuộc thuộc địa bàn xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) dưới sự chủ trì của đồng chí Ung Văn Khiêm. Tiếp theo là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Lấp Vò ra đời có 6 đảng viên đều là hội viên TNCMĐCH; còn ở Phong Hòa, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cũng thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng do đồng chí Nguyễn Duy Hanh làm Bí thư. Từ chi bộ đầu tiên – Chi bộ Hòa An ra đời vào cuối năm 1929, đến năm 1930 có thêm một số chi bộ được thành lập như: Chi bộ Phong Mỹ, Chi bộ Tân Thuận Đông – Tân Thuận Tây, Chi bộ Hội An - Mỹ An Hưng,... Hầu hết đảng viên ở các chi bộ là hội viên TNCMĐCH.

Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên

Từ khi có Đảng đến nay, người dân Đồng Tháp luôn một lòng đi theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, làm nên “những trận Đồng Tháp Mười làm cho địch kinh hồn mất vía” như Bác Hồ sinh thời đã ngợi khen. Trải qua những cuộc chiến tranh vĩ đại của Đất nước ta, Đồng Tháp đã có 18.314 liệt sĩ, 6.948 thương binh, 2.227 Mẹ Việt Nam Anh hùng của Đồng Tháp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Còn nhớ, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng phong cách lãnh đạo theo hướng gần dân, sát cơ sở; lựa chọn những thế mạnh để phát huy và xác định những khó khăn, vướng mắc để tập trung xử lý; kiên trì thực hiện những chủ trương, giải pháp đúng đắn đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng.

Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2015 – 2020 đạt 6,44%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 54,55 triệu đồng (tăng 1,55 lần) so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông được chú trọng nâng cấp. Ngành nông nghiệp được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp. Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong tốp dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số “Cải cách hành chính” (PAR INDEX). Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,74%/năm. Truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn