Gần một thế kỷ nhìn lại quá trình thành lập Chi bộ Đảng Phong Hòa

Cập nhật ngày: 24/11/2024 05:04:05

ĐTO - Năm 1930, Chi bộ Đảng làng Phong Hòa được thành lập từ tiền thân là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng (ANCSĐ) ra đời cuối những năm 20 của thế kỷ XX. Đây là một dấu ấn quan trọng trong tiến trình lịch sử địa phương, không chỉ làm tiền đề cho việc lãnh, chỉ đạo đường lối cách mạng ở vùng ven sông Hậu (lúc đó thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) mà còn lan rộng khắp vùng Lai Vung và tỉnh Sa Đéc thời bấy giờ. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ ANCSĐ đầu tiên ở Phong Hòa (1929 - 2024), cùng nhìn lại những mốc son lịch sử đáng nhớ liên quan đến sự kiện này.


Phía trước Tượng đài Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Phong Hòa, huyện Lai Vung (Ảnh: Bảo tàng Đồng Tháp)

1. Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng

Từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước ở các địa phương trong tỉnh và vùng lân cận cũng như ở làng Phong Hòa (bấy giờ thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) có những chuyển biến quan trọng. Năm 1925, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (HVNCMTN) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập thu hút đông đảo thanh niên yêu nước tham gia và truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ vào Việt Nam.

Những năm 1926 - 1927, anh Trần Kim Giáp, một thanh niên yêu nước ở Phong Hòa đến quận Ô Môn (Cần Thơ) liên hệ với các nhân tố yêu nước rồi trở về phát động, gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Anh được đồng chí Châu Văn Liêm giác ngộ, kết nạp vào HVNCMTN và được tổ chức phân công hoạt động ở Thới Lai (quận Ô Môn), đồng thời thường xuyên về Phong Hòa để giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh và Nhân dân lao động. Tháng 7/1929, đồng chí Châu Văn Liêm tham gia sáng lập ANCSĐ ở Nam Kỳ tại một địa điểm ở TP Sài Gòn, do đồng chí làm Bí thư.

Đầu năm 1928, các anh Trần Nhật Tân, Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh là người ở địa phương được đồng chí Trần Kim Giáp giác ngộ, kết nạp vào Hội và được tổ chức thành một Tiểu tổ để hoạt động cách mạng. Đây cũng là những hạt nhân nòng cốt tham gia vào tổ chức Đảng Phong Hòa khi Chi bộ ANCSĐ chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến giữa năm 1928, đồng chí Trần Kim Giáp được cấp trên chỉ định về công tác tại Phong Hòa làm Tổ trưởng VNCMTN ở địa phương, thay thế cho đồng chí Nguyễn Duy Hanh (Nguyễn Văn Hanh).

Cuối năm 1928, đồng chí Hà Huy Giáp về hoạt động ở Phong Hòa, phong trào cách mạng ở địa phương phát triển khá mạnh. Đồng chí Giáp thông qua các thanh niên địa phương như Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh để vận động đồng bào, đề ra sáng kiến tổ chức các hình thức tương trợ nhau trong lao động, cuộc sống hàng ngày như vần công, đổi công, thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, cưới hỏi, ma chay... Đồng chí còn mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho Nhân dân địa phương, viết báo, dịch sách, tham gia phát hành báo Lao Nông cho Đặc ủy Hậu Giang.

Cuối năm 1929, đồng chí Hà Huy Giáp đại diện cho Kỳ bộ ANCSĐ Nam Kỳ kết nạp vào ANCSĐ làng Phong Hòa các đồng chí như: Thân, Huynh, Hanh... Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Thị Lựu (Đỗ Thị Thưởng, Tám Lựu) được điều về hoạt động ở Phong Hòa, tích cực thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, cùng ăn ở, sinh hoạt, lao động sản xuất với Nhân dân. Đến cuối năm 1929, đồng chí được kết nạp vào ANCSĐ làng Phong Hòa, bí danh là Cửu, đó là “một quá trình phấn đấu gian khổ, giằng xé, luôn hướng về lý tưởng mang lại độc lập tự do, công bằng, cơm no áo ấm cho đồng bào”. Cũng tại đây, bà hứa hôn với ông Nguyễn Văn Hanh (Nguyễn Duy Hanh, bí danh là Nhuận). Chưa được bao lâu thì ông Hanh được điều về công tác ở Kỳ bộ Sài Gòn.


Quang cảnh Lễ trao huy hiệu Đảng tại Tượng đài Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Phong Hòa, huyện Lai Vung (Ảnh: Phúc Hiền)

2. Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Phong Hòa

Sau khi tổ chức ANCSĐ tuyên bố thành lập ở Nam Kỳ ngày 7/11/1929, theo chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Giáp và đồng chí Ung Văn Khiêm là cán bộ trong Đặc ủy Hậu Giang, Tiểu tổ VNCMTN làng Phong Hòa chuẩn bị thành lập Chi bộ ANCSĐ.

Đến ngày 29/11/1929, tại khu vườn của ông Đặng Văn Thân (gần ngã ba rạch Bù Hút, làng Phong Hòa), cuộc họp bí mật được tổ chức. Đồng chí Lưu Kim Phong, thay mặt Đảng cấp trên kết nạp 7 hội viên HVNCMTN vào ANCSĐ làng Phong Hòa mới thành lập gồm: Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh, Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Nguyễn Văn Chỉ, Trần Kim Đảnh, Nguyễn Ngọc Sơn, do đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư. Ngoài số đảng viên tại chỗ, các đồng chí Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Đầy, Trần Văn Mảng... (thuộc Chi bộ Cao Lãnh) cũng được cấp trên phân công về Phong Hòa hoạt động để hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, tư liệu khác cho biết, đến tháng 1/1930, đồng chí Nguyễn Thị Lựu làm Bí thư thay đồng chí Hanh được rút lên trên. Sau, đồng chí Lựu được Đặc ủy điều công tác khác, đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư.

Chi bộ ANCSĐ được thành lập tại Phong Hòa vào cuối năm 1929 là một trong những Chi bộ ANCSĐ đầu tiên của quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Qua đó, tạo điều kiện cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Phong Hòa vào năm 1930 sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930. Đây không chỉ là sự kiện chính trị trọng đại của địa phương, mà còn có ý nghĩa và ảnh hưởng to lớn đến các khu vực dọc phía Bắc và Nam sông Hậu (tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sa Đéc lúc bấy giờ). Nó được ghi nhận và chứng tỏ phong trào cách mạng nơi đây đã trưởng thành, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối, tổ chức cách mạng trong tình hình mới. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng ở địa phương có điều kiện phát triển vững chắc hơn, góp phần lãnh đạo các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai đến ngày toàn thắng.


Một góc Nhà truyền thống Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Phong Hòa, huyện Lai Vung (Ảnh: Bảo tàng Đồng Tháp)

Để ghi dấu sự kiện trên, chính quyền và Nhân dân địa phương xây dựng Tượng đài kỷ niệm và Nhà truyền thống trong khuôn viên quảng trường trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về quá trình thành lập của Chi bộ ANCSĐ làng Phong Hòa, tọa lạc tại ấp Tân Lợi, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung. Năm 2002, UBND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định số 504/QĐ-UBND-HC ngày 28/3/2002 công nhận “Nơi thành lập một trong những Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cần Thơ” là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày nay, nơi đây là một trong những “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử địa phương của thế hệ trẻ, đặc biệt là truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân Phong Hòa anh hùng trong tiến trình lịch sử giải phóng dân tộc.

Lê Thành Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn