HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Gửi trọn niềm tin vào Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Cập nhật ngày: 29/01/2021 10:11:16
ĐTO - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Phóng viên Báo Đồng Tháp tiếp tục trao đổi, ghi nhận ý kiến chia sẻ của giáo viên, đảng viên gửi trọn niềm tin vào Đại hội.
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa II Trần Hữu Trí - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông
*“Tôi tin tưởng rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ sáng suốt bầu chọn được những vị lãnh đạo đủ đức, tài, tâm và tầm để tiếp tục đưa những quyết sách, giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế nói riêng” - Đó là chia sẻ của Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa II (BSCK II) Trần Hữu Trí - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
Những ngày qua, ngoài việc theo dõi diễn biến của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thầy thuốc Nhân dân, BSCK II Trần Hữu Trí cũng nghiên cứu Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan tâm đến những mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển y tế như: đầu tư cơ sở vật chất y tế, đào tạo đội ngũ bác sĩ, số giường bệnh, bác sĩ trên vạn dân,... được đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Là một người đảng viên, cán bộ trong ngành y tế, Thầy thuốc Nhân dân BSCK II Trần Hữu Trí rất phấn khởi khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm để phát triển công tác y tế, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên lĩnh vực y tế lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư thêm về cơ sở vật chất y tế, đào tạo nâng chất lượng chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, phụ cấp dành cho các trưởng, phó trạm y tế xã, nhân viên, người lao động trong ngành y tế để họ cải thiện, nâng cao đời sống và yên tâm gắn bó lâu dài với ngành, góp phần cùng với ngành y tế thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thầy thuốc Nhân dân, BSCK II Trần Hữu Trí tin tưởng rằng, với những mục tiêu, chỉ tiêu về y tế được đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, lĩnh vực y tế cả nước sẽ có sự phát triển vượt bậc, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng nâng lên. Đồng thời kỳ vọng Đại hội sẽ sáng suốt bầu chọn được những vị lãnh đạo có đủ tâm, tầm và tài đức để đưa ra nhiều giải pháp, quyết sách phù hợp trong tình hình mới, lãnh đạo và đưa kinh tế - xã hội cả nước không ngừng phát triển, trong đó có lĩnh vực y tế. Sau Đại hội, cũng mong muốn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội sẽ sớm được đưa vào cuộc sống.
Thầy Nguyễn Phúc Vượng
* “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo là động lực then chốt để phát triển đất nước...” - thầy Nguyễn Phúc Vượng – giáo viên Trường THCS thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh kỳ vọng. Thầy Nguyễn Phúc Vượng bộc bạch: Qua đọc các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy, trong nhiệm kỳ qua chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở GD&ĐT tiếp tục được mở rộng về quy mô. GD&ĐT ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang triển khai theo lộ trình; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tích cực, được thế giới công nhận.
Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa giáo dục được tăng cường. Cơ chế, chính sách tài chính cho GD&ĐT từng bước đổi mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong GD&ĐT được thể chế hóa và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế về GD&ĐT tiếp tục được mở rộng.
Cũng theo thầy Nguyễn Phúc Vượng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực GD&ĐT vẫn còn một số hạn chế như: việc đổi mới hoạt động GD&ĐT chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định; chất lượng, hiệu quả GD&ĐT chưa cao; chương trình GD&ĐT còn nặng lý thuyết và nhẹ thực hành; chính sách đãi ngộ cho GD&ĐT còn bất cập... Do vậy, tôi tin tưởng trong thời điểm diễn ra Đại hội lần thứ XIII này, các đại biểu dự Đại hội sẽ thảo luận để xây dựng đồng bộ các thể chế, chính sách nhằm sớm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước trong thời gian tới.
M.XUYÊN-D.CHINH