Hội nghị Chính phủ với các địa phương

Cập nhật ngày: 30/12/2020 06:35:20

ĐTO - Sáng ngày 28/12, tại Hà Nội, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 chính thức khai mạc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Hội nghị được trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương dự hội nghị tại điểm cầu chính. Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày (ngày 28 và sáng 29/12). Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí: Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bên trái) phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế đất nước đã tạo ra được hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân, tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 3%. Hội nghị đã thông qua Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và các địa phương tham gia thảo luận và đóng góp 319 kiến nghị về những vấn đề lớn của đất nước.

Phát biểu ý kiến với hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, tỉnh Đồng Tháp nhất trí cao với các báo cáo của Chính phủ. Đồng thời kiến nghị, Chính phủ sớm chỉ đạo tập trung hoàn thành quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho chủ trương tổng kết Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục có cơ chế cho vùng xây dựng các cụm, tuyến dân cư, trước mắt hỗ trợ cho tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng 4 dự án vùng thiên tai cấp bách để bố trí chỗ ở ổn định cho khoảng 500 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm và 4 dự án bố trí ổn định dân cư biên giới (tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng); chủ trương vẫn tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những kết quả, thành tích đó góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế, tạo niềm tin, nguồn lực và động lực mới để Việt Nam vững bước tiến tới Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ đề ra. Về phương phướng, nhiệm vụ năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.

NHẤT MAI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn