Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ

Cập nhật ngày: 27/04/2024 04:48:32

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240427044937dt2-1.mp3

 

ĐTO - Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 thuộc địa bàn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp là một chiến công lừng lẫy chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Quốc gia lãnh thổ của vương triều Nguyễn. Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ là sự kiện lịch sử huy hoàng dân tộc, nhưng chưa được nhiều chuyên gia về lịch sử Việt Nam thời hiện đại quan tâm nghiên cứu. Trong thực tế hàng chục năm gần đây, không có một bộ thông sử Quốc gia, một cuốn giáo trình đại học hay một tập sách giáo khoa lịch sử phổ thông nào chính thức đề cập đến chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ như một dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước.

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834), 190 năm nhìn lại”


Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại, được tổ chức trong tháng 4/2024 tại tỉnh Đồng Tháp

Bước vào thời kỳ đổi mới, một số nhà nghiên cứu lịch sử địa phương của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tiên phong sưu tầm, tập hợp tư liệu liên quan đến chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn các vấn đề có liên quan đến chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ làm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ. Đề án khoa học cấp Nhà nước về “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ” của Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Việt Nam trên cơ sở đó khẳng định, chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ là “một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta”.

Trên cơ sở những thành tựu khoa học nói trên, trong tháng 4/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp và Hội KHLS Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại. Cuộc hội thảo trên cơ sở chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Hội KHLS Việt Nam được triển khai một cách bài bản. Từ quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, tập hợp và khai thác các nguồn tư liệu ở địa phương và Trung ương, ở nước ngoài, cho đến mời các chuyên gia và kêu gọi viết bài, trao đổi học thuật và hiệu chỉnh, hoàn chỉnh từng bài viết.

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại, nhận được 45 báo cáo của 55 tác giả, trong đó ở TP Hà Nội có 26 tác giả, TP Hồ Chí Minh có 15 tác giả, tỉnh Đồng Tháp có 4 tác giả, TP Cần Thơ có 3 tác giả, tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 tác giả, tỉnh Tiền Giang có 2 tác giả và tỉnh An Giang có 2 tác giả. Có 34 tác giả là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, trong đó nhiều vị là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực: Lịch sử, Lịch sử quân sự, Lịch sử văn hóa, Tư liệu học và Văn hóa học của cả nước. Đây đều là những báo cáo rất công phu, được trình bày theo quy chuẩn của một báo cáo khoa học.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, trên cơ sở nội dung các báo cáo của Hội thảo khoa học cấp quốc gia Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại, có thể chia ra thành 3 phần chính gồm: bối cảnh lịch sử và các nguồn tư liệu; trận chiến Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834; vị trí, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ. Thông qua các tham luận, thảo luận tập trung vào các vấn đề như: không gian chiến trường, diễn biến chiến trận và đánh giá vai trò, vị trí, tầm vóc của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Xiêm năm 1834 cũng như trong lịch sử triều Nguyễn, mà còn cả trong toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước, nhất là những ảnh hưởng, tác động trong các mối quan hệ khu vực.

“Từ kết quả bước đầu của Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại, 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang có đủ cơ sở hợp tác xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trận Vàm Nao - Cổ Hũ. Đồng thời có phương án đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền và quảng bá phát triển văn hóa, du lịch trên toàn vùng chiến trường Vàm Nao - Cổ Hũ xưa” - Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, cho biết.

Hội KHLS Việt Nam sẽ tiếp tục vận động, giới thiệu chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ là một trận quyết chiến chiến lược trong tập 13 bộ Quốc sử sắp được xuất bản; trong sách giáo khoa lịch sử phổ thông và trong các công bố chính thức của Hội. Hội KHLS Việt Nam tiếp tục hợp tác với Hội KHLS 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang đẩy mạnh sưu tầm, tập hợp tư liệu, đào sâu nghiên cứu những vấn đề chưa thật thống nhất, hướng đến năm 2034 sẽ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc 200 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ, xứng tầm với những cống hiến và hy sinh vô bờ bến của tổ tông.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn