Không chỉ là yếu kém nghiệp vụ hay vô cảm

Cập nhật ngày: 06/08/2017 03:16:29

ĐTO - Vụ xin giấy khai tử ở phường Văn Miếu, Thành phố Hà Nội đã khép lại sau kết luận thanh tra của cơ quan chức năng với việc kiến nghị xử lý những công chức thực thi công vụ có sai phạm, tuy nhiên hệ quả của nó sẽ còn lâu dài, không chỉ đối với những người liên quan ở một địa phương cụ thể.

Vụ việc sở dĩ thu hút sự quan tâm của xã hội, trở thành vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn bởi lần đầu tiên được công khai rộng rải với diễn biến và con người cụ thể về một trong những bức xúc của xã hội khi giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua.

Theo qui định, cán bộ, công chức cấp xã là những người có phẩm chất đạo đức, năng lực, đủ điều kiện, có khả năng thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao; không chỉ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân khi có yêu cầu mà còn thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng, do đó cần có năng lực vận động quần chúng, am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác.

Tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ là vậy, nhưng những vụ việc như ở phường Văn Miếu vừa qua hoặc dưới hình thức khác, mặc dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng không phải là cá biệt, và không chỉ xảy ra ở cấp xã, phường, không chỉ giữa công dân với cán bộ, công chức, như đến ngày giao trả kết quả, công chức một cửa mới thông báo hồ sơ còn thiếu thủ tục nào đó, cần bổ sung; hoặc hướng dẫn gặp cán bộ A, rồi B, rồi C; thậm chí “thủ trưởng chưa ký”, “người giữ con dấu đi họp”..., từ đó, có lý do chính đáng để kéo dài nhiều lần thời gian giải quyết vụ việc. Những hành vi đó (dân gian gọi là “đổ thừa”, “câu giờ”, “chuyền bóng”) khi bị phát hiện được bào chữa là do cán bộ, công chức yếu kém nghiệp vụ hay vô cảm.

Tuy nhiên, nếu cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn (yếu kém nghiệp vụ, vô cảm) mà vẫn được đưa vào bộ máy công quyền, được phân công một nhiệm vụ quan trọng, nhạy cảm là tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính cho dân thì trách nhiệm đó thuộc về tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xem xét, tuyển dụng, phân công cán bộ, công chức. Còn có hay không việc cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân để thể hiện quyền lực, nhận tiền, quà bôi trơn được che đậy bởi lý do yếu kém nghiệp vụ, vô cảm cần phải được xác minh, làm rõ hành vi đó có phải là quan liêu, tham nhũng hay không và nếu có phải được xử lý nghiêm khắc, kiên quyết, triệt để.

Dung dưỡng những hành vi sai trái nêu trên còn có trách nhiệm của một bộ phận người dân, với quan niệm lạc hậu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, muốn được nhanh chóng giải quyết thủ tục hành chính khi chưa đủ điều kiện,...

Tham nhũng, lãng phí đã trở thành vấn nạn, rào cản sự phát triển đất nước, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một trong những nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tuy nhiên, rất khó để kết luận một công chức tham nhũng tiền bạc khi “đổ thừa”, “câu giờ”, “chuyền bóng” trong lúc thực thi công vụ, nhưng sẽ dễ hơn khi kết luận công chức đó tham nhũng, lãng phí thời gian, công sức của nhân dân.

Đảng, nhà nước, đoàn thể có nhiều  tổ chức, cơ chế, qui định kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là chủ trương lớn của Đảng, vừa là nhiệm vụ, giải pháp để mỗi cán bộ, công chức tự mình tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nghiệp vụ, năng lực công tác, thái độ phục vụ nhân dân. Vấn đề còn lại là từng tổ chức, mỗi cá nhân thực hiện như thế nào dưới sự giám sát của nhân dân, để những vụ việc như xin giấy khai từ tại phường Văn Miếu không còn xảy ra ở bất cứ nơi đâu.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn